Categories: Giáo Dục

Dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số

Published by
THCS An Phú
tiếng phổ thông của việt nam

Lúng túng và hạn chế

Có dịp tiếp xúc với nhiều học sinh tiểu học, thậm chí là học sinh trung học cơ sở, kể cả một số giáo viên người dân tộc thiểu số, ở một số tỉnh miền núi phía bắc, Tây Nguyên… chúng tôi thấy việc đọc thông, viết thạo chính tả và phát âm của cả thầy lẫn trò còn mắc rất nhiều lỗi. Kết quả học tiếng phổ thông (lớp 1) của học sinh dân tộc thiểu số tại 40 tỉnh miền núi, vùng sâu… năm học 2007 – 2008, vừa qua, cho thấy tỷ lệ học sinh diện yếu kém khá cao. Ở Hà Giang chiếm 22,48%; Ðác Nông: 16,94%; Gia Lai: 16,77%; Ninh Thuận là 15,31%… Khi xem xét và phân tích những số liệu này, các nhà chuyên môn cho rằng có ba nguyên nhân lớn:

Thứ nhất, Chương trình tiếng Việt lớp 1 (và các lớp 2, 3, 4, 5) là chương trình chung cho cả nước. Do vậy, khi triển khai dạy cho học sinh dân tộc thiểu số, nảy sinh nhiều điểm bất cập, hiệu quả không cao. Nội dung SGK có những điểm không phù hợp thực tế đời sống miền núi.

Thứ hai là, thời lượng dạy học môn tiếng Việt được quy định là 35 tuần. Thời lượng này, có thể phù hợp học sinh thành phố, nhưng rất khó phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số.

Thứ ba là, về khả năng nghe – nói tiếng phổ thông nên khả năng nghe – nói của các em rất hạn chế. Nhưng còn một nguyên nhân nữa theo chúng tôi, là nguyên nhân thứ tư, rất quyết định đến chất lượng dạy và học môn này, đó là phương pháp dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số của người thầy chưa được đặt đúng tầm.

Thực trạng đó đòi hỏi ngành GD và ÐT phải nhìn thẳng vào sự thật, có định hướng rõ ràng, cụ thể việc dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số, nên như thế nào?

Năm phương án và một phương thức tổ chức

Nhiều năm nay, xuất phát từ đặc điểm sinh sống, cư ngụ, tập quán kinh tế – văn hóa của người dân các dân tộc các tỉnh miền núi cao, ngành GD và ÐT cho phép nghiên cứu và triển khai năm phương án dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số. Mỗi phương án đều có cơ sở lý luận, thực tiễn và từ đó các tác giả đưa ra phương pháp tiếp cận đối tượng, thực nghiệm ở những vùng, miền nhất định.

Dựa trên mục đích, cách thiết kế, chúng tôi thấy có ba phương pháp khác nhau về vấn đề này. a) Ở phương pháp dạy tiếng phổ thông theo song ngữ, có ba phương án: 1) Chuẩn bị tiếng phổ thông cho trẻ mẫu giáo trước tuổi đến trường (Vụ GD Mầm non). Phương án này thực chất chỉ mang tính chất hỗ trợ cho trẻ trước tuổi vào học lớp 1 (được thực nghiệm ở bốn lớp mẫu giáo của TP Plây Cu và huyện Ayunpa, tỉnh Gia Lai). 2) Dạy tiếng phổ thông trên cơ sở tiếng mẹ đẻ trong chương trình song ngữ Gia Rai-phổ thông (Vụ GD Dân tộc – được thực nghiệm ở hai trường tiểu học thuộc huyện Chư Pah và huyện Chư Sê (Gia Lai). 3) Nghiên cứu thử nghiệm giáo dục song ngữ dựa trên tiếng mẹ đẻ (Trung tâm nghiên cứu GD dân tộc – thực nghiệm tại ba tỉnh với ba thứ tiếng có chữ viết đã giảng dạy trong nhà trường: Lào Cai (tiếng Mông), Gia Lai (tiếng Gia Rai) và Trà Vinh (tiếng Khmer). b) Phương án thứ hai, “Tăng cường tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số ở lớp 1” (Dự án PEDC – thực hiện tại 40 tỉnh trong cả nước). c) Phương án thứ ba, phương pháp “Việc làm” mang tên: Dạy học lớp 1 cho học sinh dân tộc chưa biết nói tiếng phổ thông (Trung tâm Công nghệ giáo dục – thực nghiệm ở 15 trường tiểu học thuộc bốn huyện Si Ma Cai, Mường Khương, Bảo Yên và Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.

Ngoài năm phương án nêu trên, ngành còn gợi ý một phương thức tổ chức dạy và học tiếng phổ thông để có chất lượng. Ðó là dãn chương trình tiếng phổ thông (lớp 1) từ 35 tuần thành 50 tuần, thậm chí là 70 tuần (tức học hai năm/lớp 1). Theo phương thức 50 tuần, trường nào dạy học hai buổi/ngày thì thời lượng 15 tuần lấy ở buổi thứ hai. Trường nào dạy học một buổi/ngày, có thể học trước năm học hai tháng và kéo dài sau năm học hai tháng, học vào ngày thứ bảy, hoặc vào buổi thứ hai.

Nhưng thực tiễn giáo dục các địa phương cho thấy, đặc điểm đối tượng học sinh dân tộc thiểu số các vùng có thể tập trung, có thể xen kẽ rất khác nhau. Mặt khác, do trình độ nhận thức và chỉ đạo của các cấp quản lý ở cơ sở khác nhau; kết quả thực nghiệm của các phương án cũng rất khác nhau bộc lộ cái mạnh, cái yếu, cái hay, cái dở của từng phương án, cho thấy ngành GD và ÐT cần định hướng rõ ràng hơn, thậm chí có nơi phải “cầm tay chỉ việc” với cơ sở về việc dạy tiếng phổ thông cho học sinh các dân tộc thiểu số. Ðiều đó, để tránh lãng phí tiền của, công sức, thời gian mà chất lượng dạy và học tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số luôn “phập phù” như hàng mấy chục năm nay đã diễn ra.

Cần coi trọng cả phương pháp dạy và đào tạo giáo viên

Vấn đề tưởng như muôn thuở này, một lần nữa cần được ngành lưu ý quan tâm và có chiến lược rõ ràng. Tại Hội nghị tăng cường dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số được tổ chức mới đây, nếu như phương án một mang tính chất hỗ trợ cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1 (Vụ GDMN) nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu ở Gia Lai (nhưng sự bất cập của phương án này là việc huy động trẻ đến lớp mẫu giáo còn rất khó khăn), thì cả hai phương án hai và ba dạy trẻ theo phương pháp song ngữ cho thấy có rất nhiều bất cập, hạn chế.

Nhiều đại biểu nhận xét và ngay cả tác giả phương án cũng thừa nhận, về mặt khoa học những nghiên cứu của cả hai phương án là tốt, nhưng lại khó khả thi trong thực tiễn. Bởi phương án dạy tiếng phổ thông theo phương pháp song ngữ, tiếng Việt được dạy trên cơ sở học sinh đã biết tiếng mẹ đẻ, đòi hỏi các điều kiện khá đặc thù. Ðó là học sinh chỉ thuần một dân tộc, trong khi đặc điểm các lớp học miền núi hiện nay là xen kẽ nhiều dân tộc. Có những lớp chỉ chín học sinh nhưng có tới năm dân tộc, dạy như thế nào đây? Phương pháp song ngữ đòi hỏi giáo viên cũng phải là người dân tộc thiểu số hoặc người Kinh nhưng nắm rất vững tiếng dân tộc thiểu số. Mặt khác, vốn từ của các dân tộc không nhiều, nên việc càng học lên lớp trên vốn từ của các dân tộc càng hạn chế. Dạy tiếng phổ thông theo phương pháp song ngữ rất khó có hiệu quả, khó khả thi.

Trong khi đó, phương án của Dự án PEDC và Trung tâm Công nghệ giáo dục nhận được khá nhiều sự tán đồng từ thực tiễn triển khai của các tỉnh đã làm thực nghiệm. Ý kiến của các đại biểu Lào Cai, Hà Giang, Khánh Hòa nhận xét phương án của Dự án PEDC thực hiện linh hoạt, có thể sử dụng cho những lớp có nhiều học sinh các dân tộc khác nhau. Phương án này được thực hiện liên tục từ phần “Chuẩn bị tiếng phổ thông” đến “Tăng cường tiếng phổ thông”, không bị đứt quãng. Nhưng điểm khó của phương án này là ở vùng khó khăn, phải huy động trẻ đến trường; và mỗi lớp, bên cạnh giáo viên, phải có một nhân viên hỗ trợ, giúp giáo viên một số hoạt động, kéo theo chế độ, chính sách chi trả…

Ý kiến các đại biểu Bình Ðịnh, Nghệ An, Kiên Giang, Lào Cai, Khánh Hòa tâm đắc với phương án của Trung tâm CNGD. Phương pháp “Việc làm” có thao tác, quy trình cho giáo viên, học sinh. Học sinh có khả năng đọc từ 60 từ/phút do nắm kỹ phân tích ngữ âm, nên các em không bị tái mù chữ. Riêng tỉnh Lào Cai đánh giá phương án này rất ưu việt. Nhưng điểm hạn chế của phương án này là chỉ nên triển khai ở các trường chính, các điểm trung tâm, không có lớp ghép.

Từ thực tiễn đó, ngành GD và ÐT có định hướng, phương án dạy song ngữ chỉ triển khai tiếp ở ba tỉnh Lào Cai, Trà Vinh, Gia Lai (nếu các địa phương này đồng ý). Phương án của Dự án PEDC tiếp tục triển khai ở 40 tỉnh đã thực nghiệm. Phương án của Trung tâm CNGD triển khai ở bảy tỉnh (có yêu cầu), đó là Lào Cai, Sơn La, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Kon Tum và Ðác Lắc. Tuy nhiên, theo chúng tôi việc bồi dưỡng đội ngũ giáo viên về phương pháp dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số ở các trường sư phạm hiện nay phải được xây dựng một cách bài bản, như một khoa đào tạo, và phải có đầu tư, chính sách khuyến khích, hỗ trợ hơn, chứ không thể chỉ coi như một chuyên đề hiện nay ở các trường sư phạm của các tỉnh miền núi. Chỗ “hổng” này cần được nhận thức đúng và khắc phục, hạn chế sự lãng phí tiền bạc, thời gian và công sức lao động mà không hiệu quả của thầy trò các dân tộc kéo dài quá nhiều năm nay.

Phương án dạy học tiếng phổ thông cho học sinh lớp 1 dân tộc thiểu số (Dự án PEDC)

Nội dung của phương án gồm hai phần: “Chuẩn bị tiếng Việt” và “Tăng cường tiếng phổ thông”. Phương pháp dạy học chủ yếu của phần chuẩn bị tiếng phổ thông là tổ chức các hoạt động học tập cho trẻ: học bằng hành động trực quan; bằng đối thoại; bằng tham gia các trò chơi; bằng hát và múa; bằng nghe kể chuyện theo sách khổ to; và học bằng tô, vẽ, đếm. Trong quá trình học chuẩn bị tiếng Việt, trẻ dùng tiếng phổ thông là chủ yếu, khi cần có thể dùng bằng tiếng dân tộc (một cách hợp lý) không làm ảnh hưởng đến mục tiêu học tiếng phổ thông.

Phương pháp dạy học chủ yếu của phần tăng cường tiếng phổ thông là xác định theo các tiêu chí phù hợp đặc điểm học sinh, phù hợp nội dung dạy học ngôn ngữ thứ hai. Các phương pháp chủ yếu là: trực quan hành động; dạy trực tiếp tiếng phổ thông; dạy ngôn ngữ giao tiếp và sử dụng tiếng mẹ đẻ một cách hợp lý trong quá trình dạy học bằng tiếng phổ thông.

Phương án dạy học lớp 1 cho học sinh dân tộc thiểu số chưa biết nói tiếng phổ thông (Trung tâm Công nghệ Giáo dục)

Chương trình môn tiếng phổ thông được thực hiện bằng phương pháp “Việc làm”. Hệ thống việc làm xây dựng trên cơ sở hợp tác: Thầy thiết kế – trò thi công. Cụ thể, trong mỗi việc làm có nhiều thao tác. Ðể làm ra đúng sản phẩm cần thiết, học sinh phải thực hiện đầy đủ các thao tác thứ tự tuyến tính theo thời gian. Ðó là: 1) Tổ chức cho học sinh phân tích “vật thật” (ngữ âm của từng tiếng) rồi tìm cách dùng ký hiệu (chữ cái), ghi lại (các âm vị). 2) Việc học bắt đầu từ việc lắng nghe từng tiếng, nhắc lại tiếng đó, rồi phân tích ngữ âm của tiếng. Việc phân tích này diễn ra ngày càng tinh tế hơn, cho đến khi phân giải tiếng ra thành các đơn vị nhỏ nhất là âm vị, bấy giờ mới dùng chữ cái ghi lại âm vị theo trật tự bảy chữ cái a, b, c. Phương pháp này bảo đảm trẻ không thể tái mù. 3) Việc học ngữ âm càng về sau càng gắn với việc học ngữ nghĩa tiếng Việt. Theo cách này, năm học vẫn là chín tháng, không cần tăng thời lượng năm học.

Share
Published by
THCS An Phú

Recent Posts

  • Tử Vi

Lịch âm 3/1 – Tra cứu lịch âm hôm nay thứ Ba ngày 3/1/2023

Thông tin chung về Lịch âm hôm nay 3/1Dương lịch hôm nay là 3/1/2023, tương…

3 giờ ago
  • Giáo Dục

Bài toán lớp 1 gây tranh cãi: "Không hiểu giờ chương trình học thế nào nữa"

Bài toán lớp 1 gây tranh cãiCứ tưởng rằng Toán lớp 1 sẽ dễ nhất…

3 giờ ago
  • Tử Vi

Năm 2029 là năm con gì, mệnh gì? Phong thủy, tính cách, màu sắc mọi thứ cần biết

Đối với những người theo chủ nghĩa tâm linh, việc tìm hiểu về bản mệnh…

3 giờ ago