Categories: Giáo Dục

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiện nay. Vai trò và biện pháp giáo dục KNS cho học sinh Tiểu học có hiệu quả.

Published by
THCS An Phú

Sự tác động của thông tin thiếu lành mạnh đang tác động mạnh đến đời sống làm cho thế hệ trẻ có nhiều biểu hiện nhận thức lệch lạc và sống xa rời các giá trị đạo đức truyền thống như: Đề cao hưởng thụ, sống thực dụng, ích kỷ, đua đòi, xa hoa lãng phí, sùng bái thần tượng thái quá, ít quan tâm đến cộng đồng và những người xung quanh. Một bộ phận thanh thiếu niên thiếu ý thức rèn luyện, không tích cực tham gia các hoạt động Đoàn, Hội, Đội, các phong trào và hoạt động tập thể do nhà trường, địa phương tổ chức; lười học tập, lao động, không dám đấu tranh với sai trái, tiêu cực, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, ích kỷ, bất hiếu với cha mẹ, thiếu trách nhiệm với cộng đồng, thiếu quan tâm đến tình hình đất nước; một bộ phận thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật. Tình trạng bạo lực học đường có tổ chức ngày một gia tăng

Có nhiều nguyên nhân khách quan như mặt trái của kinh tế thị trường và tiến trình hội nhập quốc tế, nhưng theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân sâu xa là do các em thiếu kỹ năng sống (KNS). Các em chưa bao giờ được dạy cách đương đầu với những khó khăn của cuộc sống như cha mẹ ly hôn, gia đình thuộc hộ nghèo, kết quả học tập kém … đã bị lôi cuốn vào lối sống thực dụng, đua đòi, không đủ bản lĩnh nói “không” với cái xấu. Các em không được dạy để hiểu về giá trị của cuộc sống và những KNS.

Trước thực trạng đó Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã Ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 về việc “Quy định Quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa” (sau đây gọi là Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT) và phong trào “Xây dựng trường học thân thiện – học sinh tích cực” với những kế hoạch nhất quán từ trung ương đến địa phương, đầy đủ kế hoạch từng năm học với những biện pháp cụ thể để rèn kĩ năng sống cho học sinh một cách chung nhất cho các bậc học, đây chính là những định hướng giúp giáo viên thực hiện như: Rèn luyện kĩ năng ứng xử hợp lý với các tình huống trong cuộc sống, thói quen và kĩ năng làm việc, sinh hoạt theo nhóm; rèn luyện sức khỏe và ý thức bảo vệ sức khỏe, kĩ năng phòng, chống tai nạn giao thông, đuối nước và các tai nạn thương tích khác; rèn luyện kĩ năng ứng xử văn hóa, chung sống hòa bình, phòng ngừa bạo lực và các tệ nạn xã hội.

1. Khái niệm Kỹ năng sống.

Hiện nay có khá nhiều khái niệm về KNS, tuỳ từng góc nhìn khác nhau người ta có những khái niệm về KNS khác nhau, chẳng hạn:

– Theo Tổ chức Văn hoá, khoa học và giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO): KNS là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày – đó là những kĩ năng cơ bản như kĩ năng đọc, viết, làm tính, giao tiếp ứng xử, giới thiệu bản thân, thuyết trình trước đám đông, làm việc nhóm, khám phá những thay đổi của bản thân, tư duy hiệu quả…

– Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): KNS là những kĩ năng thiết thực mà con người cần để có cuộc sống an toàn, khoẻ mạnh. Đó là những kĩ năng mang tính tâm lí xã hội và kĩ năng giao tiếp được vận dụng trong những tình huống hàng ngày để tương tác một cách có hiệu quả với người khác và giải quyết có hiệu quả những vấn đề, những tình huống của cuộc sống hàng ngày.

Theo PGS. TS Nguyễn Thanh Bình – Viện NCSP – Trường ĐHSP Hà Nội: Kĩ năng sống là năng lực, khả năng tâm lý – xã hội của con người có thể ứng phó với những thách thức trong cuộc sống, giải quyết các tình huống một cách tích cực và giao tiếp có hiệu quả.

Mở rộng khái niệm: KNS không phải là năng lực cá nhân bất biến trong mọi thời đại, mà là những năng lực thích nghi cho mỗi thời đại mà cá nhân đó sống. Bởi vậy, KNS vừa mang tính cá nhân, vừa mang tính dân tộc – quốc gia, vừa mang tính xã hội – toàn cầu. Từ những khái niệm trên, KNS trong phạm vi lứa tuổi học sinh thường gắn liền với phạm trù kiến thức, kĩ năng và thái độ mà học sinh được rèn luyện trong quá trình giáo dục. Tổng hợp kết quả giáo dục từ bài học trên lớp và từ những hoạt động HĐGDNGLL, học sinh hình thành được một số kĩ năng sống phù hợp như: Kĩ năng tự nhận thức, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng xác định giá trị, kĩ năng ra quyết định, kĩ năng kiên định, kĩ năng đặt mục tiêu,… Những kĩ năng này bao giờ cũng gắn với một nội dung giáo dục nhất định như: giáo dục bảo vệ môi trường, giáo dục lòng nhân ái, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo, uống nước nhớ nguồn, giáo dục sống an toàn, khoẻ mạnh…

2. Vai trò của kỹ năng sống

Kỹ năng sống có vai trò hết sức quan trọng đối với mỗi người. Nhiều nghiên cứu đã cho phép đi đến kết luận là trong các yếu tố quyết định sự thành công của con người, kỹ năng sống đóng góp đến khoảng 85%. Theo UNESCO ba thành tố hợp thành năng lực của con người là: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hai yếu tố sau thuộc về kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp…

Thành công chỉ thực sự đến với những người biết thích nghi để làm chủ hoàn cảnh và có khả năng chinh phục hoàn cảnh. Vì vậy, kỹ năng sống sẽ là hành trang không thể thiếu. Biết sống, làm việc, và thành đạt là ước mơ không quá xa vời, là khát khao chính đáng của những ai biết trang bị cho mình những kỹ năng sống cần thiết và hữu ích.

Kỹ năng sống tốt thúc đẩy thay đổi cách nhìn nhận bản thân và thế giới, tạo dựng niềm tin, lòng tự trọng, thái độ tích cực và động lực cho bản thân, tự mình quyết định số phận của mình.

Kỹ năng sống giúp giải phóng và vận dụng năng lực tiềm tàng trong mỗi con người để hoàn thiện bản thân, tránh suy nghĩ theo lối mòn và hành động theo thói quen trên hành trình biến ước mơ thành hiện thực.

Khối lượng kiến thức của chúng ta trở nên lỗi thời nhanh chóng trong thời đại mới. Trong môi trường không ngừng biến động con người luôn đối diện với áp lực cuộc sống từ những yêu cầu ngày càng đa dạng, ngày càng cao trong quan hệ xã hội, trong công việc và cả trong quan hệ gia đình. Quá trình hội nhập với thế giới đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ngoài kiến thức chuyên môn, yêu cầu về các kỹ năng sống ngày càng trở nên quan trọng. Thiếu kỹ năng sống con người dễ hành động tiêu cực, nông nổi. Giáo dục cần trang bị cho người học những kỹ năng thiết yếu như ý thức về bản thân, làm chủ bản thân, đồng cảm, tôn trọng người khác, biết cách hợp tác và giải quyết hợp lý các mâu thuẫn, xung đột.

* Giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh.

Giáo dục KNS là giáo dục cách sống tích cực trong xã hội hiện đại, xây dựng những hành vi lành mạnh và thay đổi những hành vi, thói quen tiêu cực trên cơ sở giúp HS có thái độ, kiến thức, kĩ năng, giá trị cá nhân thích hợp với thực tế xã hội. Mục tiêu cơ bản của giáo dục KNS là làm thay đổi hành vi của HS, chuyển từ thói quen thụ động thành những hành vi mang tính xây dựng tích cực và có hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống cá nhân và góp phần phát triển xã hội bền vững.

Giáo dục KNS còn mang ý nghĩa tạo nền tảng tinh thần để học sinh đối mặt với các vấn đề từ hoàn cảnh, môi trường sống cũng như phương pháp hiệu quả để giải quyết các vấn đề đó.

* Vì sao cần phải giáo dục Kỹ năng sống cho học sinh.

Chúng ta đều biết: cuộc sống luôn tạo ra những khó khăn để cho con người vượt qua, những mất mát để con người biết yêu quý những gì đang có. Vì vậy, mỗi con người cần có những kỹ năng nhất định để tồn tại và phát triển. Là những nhà giáo dục, những người luôn đồng hành với quá trình phát triển của HS, chúng ta càng thấy rõ sự cần thiết giáo dục KNS cho HS. Bởi giáo dục KNS chính là định hướng cho các em những con đường sống tích cực trong xã hội hiện đại trong ba mối quan hệ cơ bản: con người với chính mình; con người với tự nhiên; con người với các mối quan hệ xã hội. Nắm được KNS, các em sẽ biết chuyển dịch kiến thức – “cái mình biết” và thái độ, giá trị – “cái mình nghĩ, cảm thấy, tin tưởng”…thành những hành động cụ thể trong thực tế – “làm gì và làm cách nào” là tích cực và mang tính chất xây dựng. Tất cả đều nhằm giúp các em thích ứng được với sự phát triển nhanh như vũ bão của khoa học công nghệ và vững vàng, tự tin bước tới tương lai. Cụ thể là:

Trong quan hệ với chính mình: Giáo dục KNS giúp HS biết gieo những kiến thức vào thực tế để gặt hái những hành động cụ thể và biến hành động thành thói quen, rồi lại gieo những thói quen tích cực để tạo ra số phận cho mình.

Trong quan hệ với gia đình: Giáo dục KNS giúp HS biết kính trọng ông bà, hiếu thảo với cha mẹ, quan tâm chăm sóc người thân khi ốm đau, động viên, an ủi nhau khi gia quyến có chuyện chẳng lành…

Trong quan hệ với xã hội: Giáo dục KNS giúp HS biết cách ứng xử thân thiện với môi trường tự nhiên, với cộng đồng như: có ý thức giữ gìn trật tự an toàn giao thông; giữ vệ sinh đường làng, ngõ phố; bảo vệ môi trường thiên nhiên…Từ đó, góp phần làm cho môi trường sống trong sạch, lành mạnh, bớt đi những tệ nạn xã hội, những bệnh tật do sự thiếu hiểu biết của chính con người gây nên; góp phần thúc đẩy những hành vi mang tính xã hội tích cực để hài hoà mối quan hệ giữa nhu cầu – quyền lợi – nghĩa vụ trong cộng đồng.

* Nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh Tiểu học:

Đối với học sinh tiểu học giáo dục KNS nhằm trang bị cho các em những kiến thức hiểu biết về một số chuẩn mực về hành vi đạo đức và pháp luật trong mối quan hệ của các em với những tình huống cụ thể, những lời nói việc làm của bản thân với những người thân trong gia đình, bạn bè và công việc của lớp, của trường, với Bác Hồ và những người có công với đất nước, với dân tộc …cũng như với môi trường sống xung quanh. Giúp các em học tập , rèn luyện kĩ năng nói, nhận xét, đứng trước tập thể lựa chọn thực hiện hành vi ứng xử và quyết đoán. Giúp các em có trách nhiệm đối với những việc làm và lời nói của bản thân, tự tin vào khả năng của bản thân. Biết yêu thương ông bà, cha mẹ, anh chị em, Bác Hồ, các chú bộ đội …cũng như biết bảo vệ môi trường. – Kỹ năng cơ bản gồm: kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, múa, hát, đi, đứng, chạy, nhảy v.v…

– Kỹ năng nâng cao là sự kế thừa và phát triển các kỹ năng cơ bản dưới một dạng thức mới hơn. Nó bao gồm: Các kỹ năng tư duy logic, sáng tạo, suy nghĩ nhiều chiều, phân tích, tổng hợp, so sánh, nêu khái niệm, đặt câu hỏi v.v… Ở tiểu học, đối với các lớp đầu cấp, kỹ năng cơ bản được xem trọng, còn các lớp cuối cấp nâng dần cho các em về kỹ năng nâng cao. Theo đó, cần tập trung rèn luyện cho các em 2 nhóm kỹ năng sống sau đây:

Nhóm kỹ năng giao tiếp – hòa nhập cuộc sống:

+ Các em biết giới thiệu về bản thân, về gia đình, về trường lớp học và bạn bè thầy cô giáo.

+ Biết chào hỏi lễ phép trong nhà trường, ở nhà và ở nơi công cộng.

+ Biết nói lời cảm ơn, xin lỗi.

+ Biết phân biệt hành vi đúng sai, phòng tránh tai nạn.

Nhóm kỹ năng trong học tập, lao động – vui chơi giải trí:

+ Các kỹ năng nghe, đọc, nói, viết, kỹ năng quan sát, kỹ năng đưa ra ý kiến chia sẻ trong nhóm.

+ Kỹ năng giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung.

+ Kỹ năng kiểm soát tình cảm – kỹ năng kìm chế thói hư tật xấu sở thích cá nhân có hại cho bản thân và người khác.

+ Kỹ năng hoạt động nhóm trong học tập vui chơi và lao động.

– Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa: Các môn nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống, dạy học ngoại ngữ, tin học thực hiện theo quy định về tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đáp ứng nhu cầu người học không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt.

Hình thức tổ chức:

– Thực hiện dạy tích hợp giáo dục kỹ năng sống thông qua các bài học, môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục tiểu học.

– Vận dụng thực hành giáo dục kỹ năng sống qua các bài tập trắc nghiệm, lồng ghép thực hành ở các hoạt động tập thể như: chào cờ, sinh hoạt lớp…

– Tổ chức giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho học sinh theo quy định tại Thông tư 04/2014/ TT-BGDĐT.

Thời gian tổ chức:

– Trong năm học: Đối với các trường tổ chức dạy học 2 buổi /ngày, ngoài việc dạy tích hợp, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học và hoạt động giáo dục, có thể tổ chức giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa vào các ngày thứ 7 trong tuần. Đối với các trường tổ chức dạy học 1 buổi /ngày, ngoài việc dạy tích hợp, lồng ghép giáo dục kỹ năng sống vào các môn học và hoạt động giáo dục, tùy theo điều kiện của trường, có thể tổ chức giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa vào buổi thứ hai trong ngày hoặc các ngày thứ 7 trong tuần.

– Trong hè: Nhà trường có thể liên kết với các đơn vị tổ chức giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT.

3. Các biện pháp quản lý giáo dục KNS cho học sinh để đạt được kết quả.

3.1. Nâng cao nhận thức của các lực lượng giáo dục về ý nghĩa, lợi ích của hoạt động GDKNS cho học sinh

Tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và cha mẹ học sinh của nhà trường về chủ trương và tiêu chí nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong nhà trường nói riêng và của ngành giáo dục nói chung trong giai đoạn hiện nay. Nội dung tuyên truyền chú trọng đến mục đính tạo sự chuyển biến trong nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của GDKNS cho học sinh .

Nhận thức đúng sẽ tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia vào các hoạt động GDKNS cho học sinh.

3.2. Phát huy vai trò chủ thể các lực lượng sư phạm trong GDKNS cho học sinh

Việc ảnh hưởng từ nhân cách và công việc quản lý, giáo dục của thầy cô giáo tác động rất lớn đến các em học sinh . Quản lý GDKNS cho học sinh đòi hỏi người quản lý và người hướng dẫn phải có nhiều kiến thức về tâm lý phát triển của học sinh, phải có tâm huyết, tính kiên nhẫn, có sự lắng nghe tốt, có sự phối hợp với các lực lượng giáo dục trong nhà trường, gia đình và xã hội trong công tác quản lý, giáo dục, có biện pháp, phương pháp quản lý, giáo dục và đặc biệt phải có được sự tin tưởng, yêu thương của các em. Chủ yếu gồm đội ngũ thầy cô giáo (giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm), cán bộ đoàn thể trường học, tổ chức đoàn thể địa phương,… và đặc biệt là gồm cả cha mẹ học sinh tại chính trong gia đình các em.

3.3. Tổ chức các hoạt động nhằm GDKNS cho học sinh một cách có hiệu quả.

Hoạt động văn hóa nghệ thuật: Đây là hoạt động không thể thiếu được trong sinh hoạt tập thể của các em, như : Hát – múa theo chủ đề, chủ điểm. Tổ chức các cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ, kể chuyện theo sách, đóng kịch, đọc tấu , đánh đàn….Các hoạt động này rèn luyện cho các em sự mạnh dạn, tự tin trước đám đông – đây là một trong những kỹ năng cần thiết trong xu thế hiện nay.

Hoạt động vui chơi giải trí, TDTT: Vui chơi giải trí là hoạt động không thể thiếu đối với trẻ, góp phần rèn luyện một số phẩm chất như tính kỹ luật, tinh thần trách nhiệm, tinh thần đoàn kết, lòng nhân ái…Các hoạt động này diễn ra một cách thườn xuyên trong các nhà trường, tổ chức TDTT thông qua hội khỏe phù đổng cấp trường.

Hoạt động xã hội: Họat động này giúp các em nâng cao hiểu biết về con người, đất nước thông qua các hoạt động khuyên góp ủng hộ bão lụt, ủng hộ nạn nhân chất đọc màu da cam, ủng hộ bạn nghèo, thăm hỏi gia đình thương binh, liệt sĩ, chăm sóc am thờ Bà mẹ Việt Nam anh hùng….

Hoạt động lao động công ích: Thông qua hoạt động lao động công ích giúp các emgẵn bó với đời sống xã hội, hiểu biết thêm giá trị của lao động, biết cách giữ gìn trường lớp hay thôn xóm luôn sạch đẹp.

Hoạt động tiếp cận khoa học – kĩ thuật: Đây là hoạt động giúp các em tiếp cận những thành tựu khoa học công nghệ tiến tiến tạo cho các em niềm say mê khoa học, yêu thích sự tìm tòi,kích thích hoạt động sáng tạo, tạo điều kiện cho các em làm quen với nghiên cứu khoa học và tự khẳng định mình.Hoạt động này tổ chức thông qua “Câu lạc bộ khoa” học của nhà trường.

3.4. Tăng cường sự phối hợp giữa các lực lượng giáo dục gia đình – nhà trường – xã hội

Chú trọng vai trò của gia đình trong công tác GDKNS: Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi thân yêu nuôi dưỡng cả đời người, là môi trường quan trọng giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách. Chính Bác Hồ, vào năm 1963, đã nêu: “Gia đình, nhà trường và xã hội là phương châm, phương tiện và phương pháp giáo dục, nếu không kết hợp được thì không đạt được kết quả”. Vì thế, các bậc cha mẹ phải có phương pháp giáo dục phù hợp với con em mình, có thái độ nghiêm khắc nhưng cũng phải tôn trọng nhân cách của con và phải làm gương cho con về mọi mặt. Trong năm học, giáo viên cần chủ động phối hợp chặt chẽ với gia đình và địa phương để quản lý tốt quá trình học tập rèn luyện của học sinh.

Gia đình chăm sóc về vật chất nhưng cũng phải luôn quan tâm đến mặt tinh thần như: việc học tập và rèn luyện của con tại trường, các mối quan hệ bạn bè của con, các hình thức vui chơi giải trí, sự phát tiển tâm sinh lý của các em, phải hướng dẫn và tìm cách đáp ứng nhu cầu hợp lý cho con em mình.

Phát huy hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn – Đội trong công tác giáo dục kỹ năng sống: . Hoạt động đội phải gắn liền với hoạt động học tập của học sinh trong nhà trường. Phải đổi mới về hình thức lẫn nội dung, về phương pháp cách thức tổ chức, chú trọng tích hợp rèn luyện KNS trong các hoạt động vui chơi, giải trí để các em có quá trình rèn luyện thường xuyên nhưng không làm các em cảm thấy nặng nề. Thông qua hoạt động để giúp phát triển năng khiếu của trẻ, tạo điều kiện cho trẻ em phát triển toàn diện.

Tăng cường phối hợp với chính quyền, với các đoàn thể chính trị – xã hội ở địa phương trong công tác giáo dục kỹ năngsống: Theo K. Marx: “Hoàn cảnh đã sáng tạo ra con người, trong chừng mực mà con người đã sáng tạo ra hoàn cảnh”. Trong việc giáo dục cho trẻ có sự tác động, ảnh hưởng của điều kiện, hoàn cảnh xã hội. Chính vì thế, cần gắn chặt từng bước việc học tập, sinh hoạt, giáo dục rèn luyện KNS cho trẻ với thực tiễn cải tạo xã hội, xây dựng môi trường. Cần phải có sự thống nhất trong phối hợp giáo dục học sinh giữa nhà trường – gia đình – xã hội để tránh xảy ra mâu thuẫn không đáng có. Đó cũng là một con đường để giáo dục, phát triển nhân cách cho học sinh.

Việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh là rất cần thiết phù hợp với mục tiêu giáo dục, nhằm góp phần đào tạo “con người mới” với đầy đủ các mặt “đức, trí, thể, mĩ” để học sinh được phát triển toàn diện đáp ứng những yêu cầu mới của xã hội.

Rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh là một việc làm hết sức cần thiết của xã hội, các em không chỉ biết học giỏi về kiến thức mà còn phải được tôi luyện những kĩ năng sống qua đó tạo cho các em một môi trường lành mạnh, an toàn, tích cực, vui vẻ để trang bị cho các em vốn kiến thức, kĩ năng, giá trị sống để bước vào đời tự tin hơn.

Lứa tuổi học sinh Tiểu học, là giai đoạn đầu của lứa tuổi trưởng thành, một số em đã dần khẳng định bản thân trước bạn bè, thầy cô và gia đình. Các em biết sống tích cực, có niềm tin cũng như mục tiêu để vươn tới nhưng bên cạnh đó phần nhiều các em khác lại rơi vào tình trạng thiếu tự tin, sống ích kỷ, vô tâm và thiếu trách nhiệm. Các em luôn muốn bứt phá khỏi sự kiểm soát của cha mẹ cộng thêm là áp lực học hành, thi cử càng đè nặng lên tâm lý khiến các em có những hành vi không tích cực. Khi có cơ hội được thể hiện mình trước đám đông các em luôn tỏ ra rụt rè, e ngại hoặc không thể xử lý những tình huống gặp phải trong cuộc sống.

Hiện tượng trẻ em ngu ngơ khi phải xử lí những tình huống của cuộc sống thực, thiếu tự tin trong giao tiếp, thiếu bản lĩnh vượt qua khó khăn, thiếu sáng kiến và dễ nản chí ngày càng nhiều. Nguyên nhân do đâu? Phải khẳng định rằng, trước hết do giáo dục. Nhiều vấn đề của xã hội hiện đại tác động đến trẻ chưa được cập nhật, bổ sung vào chương trình giáo dục nhà trường. Việc định hướng sai các giá trị là nguyên nhân gây ra những hiện tượng đáng tiếc trong ứng xử của trẻ. Phương pháp giáo dục nhồi nhét, lí thuyết suông, không tạo được cho trẻ khả năng tư duy, óc phân tích, suy sét, phán đoán, không tạo cơ hội cho trẻ trải nghiệm những vấn đề thực trong cuộc sống hiện đại…chủ yếu do những nguyên nhân sau đây:

– Giáo viên và người lớn chưa thật gần gũi, thân thiện với học sinh.

– Việc rèn kĩ năng sống qua việc tích hợp vào các môn học còn hạn chế.

– Rèn kĩ năng sống qua các tiết sinh hoạt lớp, hoạt động giáo dục, vui chơi còn chưa sâu sát.

– Giáo viên khuyến khích động viên khen thưởng học sinh còn ít.

– Công tác tuyên truyền cho các bậc cha mẹ thực hiện dạy các em các kĩ năng sống cơ bản chưa nhiều.

Chính việc thiếu hụt nghiêm trọng các kĩ năng sống do sự hạn chế của giáo dục gia đình và nhà trường, sự phức tạp của xã hội hiện đại là nguyên nhân trực tiếp khiến học sinh gặp khó khăn trong xử với tình huống thực của cuộc sống.

Chính vì những vấn đề vừa nêu trên, mỗi chúng ta cần phải giáo dục cho thế hệ học sinh, những chủ nhân tương lai của đất nước biết và hiểu được thế nào là giá trị sống, rèn luyện cho chúng những kỹ năng sống cần thiết và cho các em biết vai trò của nó đối với bản thân, gia đình và xã hội. Hun đúc cho thế hệ trẻ phẩm chất mà ta quý trọng, những thứ có giá trị như: Hòa bình, Tôn trọng, Yêu thương, Khoan dung, Trung thực, Khiêm tốn, Hợp tác, Hạnh phúc, Trách nhiệm, Giản dị, Tự do, Đoàn kết.

Share
Published by
THCS An Phú

Recent Posts

  • Giáo Dục

Mắng vốn sui gia

Alô, anh chị sui đấy à? Mọi lần họp lớp lúc nào mọi người cũng…

7 giờ ago
  • Giáo Dục

[Cập nhật] Lịch thi tuyển sinh lớp 10 năm 2024 các tỉnh

Tính tới thời điểm hiện tại nhiều tỉnh trên cả nước đã công bố lịch…

7 giờ ago
  • Tử Vi

Nam, nữ Ất Hợi năm 1995 mệnh gì? Tuổi gì? Hợp màu nào, công việc gì?

1995 mệnh gì? Những người sinh năm 1995 mệnh gì? Tuổi Ất Hợi là người…

7 giờ ago