Categories: Giáo Dục
Published by
THCS An Phú

Tên gọi quốc tế hiện nay “không có cơ sở lịch sử”

Indonesia mới đây đã đề xuất việc đặt lại tên cho Biển Đông. Tuần trước, Chính phủ Indonesia thông báo sẽ đệ trình bản kiến nghị lên Liên hợp quốc liên quan đến Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) xung quanh quần đảo Natuna (ở Biển Đông) mà Jakarta đang tuyên bố chủ quyền. Theo đó, Indonesia sẽ gọi tên vùng biển ở phía Bắc, bao gồm vùng biển xung quanh các quần đảo Natuna và Anambas là “Biển Natuna” (Natuna Sea) như một cách để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển có tên gọi quốc tế là “South China Sea”. Ông Ahmad Santosa, người đứng đầu cơ quan đặc trách chống đánh bắt cá trái phép của Indonesia cho biết, đây không phải là một quyết định mang tính dân tộc chủ nghĩa đơn thuần, mà còn cho thấy tên gọi “South China Sea” chỉ là một “sáng tạo không có cơ sở lịch sử”.

Trước đó, năm 2012, Philippines đã chính thức đặt lại tên một phần của Biển Đông, sử dụng tên mới trên bản đồ và trong các công văn của Chính phủ. Manila tuyên bố vùng biển nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế của họ là Biển Tây Philippines (West Philippines Sea). Thời điểm đó, Tổng thống Philippines Benigno Aquino tuyên bố việc đổi tên như vậy là một bước quan trọng để làm sáng tỏ vùng tranh chấp nào là của Philippines và khẳng định vùng biển này về mặt lịch sử cũng như thực tại không thuộc về Trung Quốc. Philippines cũng đã gửi công văn và một bản đồ chính thức lên Liên hợp quốc.

Tại một hội nghị về quốc phòng ở London (Anh) hồi tháng 9-2015, Phó Đô đốc Viên Dự Bách (Yuan Yuba), Tư lệnh Hạm đội Bắc Hải của Trung Quốc khẳng định, Biển Đông là của Trung Quốc, bởi lẽ trong tên gọi quốc tế bằng tiếng Anh của biển này có từ “China”, nghĩa là Trung Quốc, đồng thời cho rằng, vùng biển này thuộc về Trung Quốc từ thời nhà Hán cách đây 2.000 năm. Trên thực tế, người Trung Quốc chưa tới vùng biển này trước năm 960, tức là khi bắt đầu triều đại nhà Tống.

Về phần mình, Việt Nam gọi vùng biển này là Biển Đông, bao gồm phần lớn vùng nước được gọi là “South China Sea” theo tên quốc tế bằng tiếng Anh. Các nhà nghiên cứu độc lập đã kết luận rằng, Biển Đông tiếp giáp với “Biển Tây Philippines”. Trong khi đó, người Trung Quốc sử dụng hai tên gọi “Nam Hải” và “Nam Dương” để chỉ toàn bộ vùng biển ở phía Nam, bao gồm cả biển Java và eo biển Malacca.

Sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, nhiều ý kiến lên tiếng về sự rắc rối trong cách gọi tên vùng biển này. Trong bài viết trên trang mạng Quartz ngày 23-8, nhà báo Mỹ Steve Mollman ghi nhận một quan điểm ngày càng phổ biến cho rằng, sở dĩ tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông giữa Trung Quốc và các nước láng giềng rắc rối phức tạp một phần là do tên gọi quốc tế của vùng biển này.

Biển Đông Nam Á sẽ là cái tên phù hợp?

Từ đầu thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XX không có một tên gọi cụ thể nào cho toàn bộ vùng Biển Đông hiện nay. Khi đó, các thương gia phương Tây gọi phía Tây của Biển Đông là “Biển Chăm” (Cham Sea), từng đóng vai trò chủ chốt đối với thương mại đường biển trong khu vực và là cửa ngõ cho giao thương của Trung Quốc với phía Nam và phía Tây. Còn phía Đông của vùng biển này gọi là “Biển Luzon” – gần tương đương với “Biển Tây Philippines”, còn phần phía Tây Nam nằm giữa Sumatra và Champa được gọi là “Biển Malay”. Tên gọi “South China Sea” (trong tiếng Hoa là “Nam Hải” (Nanhai)) chỉ xuất hiện vào những năm 30 của thế kỷ XX để phân biệt với khái niệm “East China Sea” khi người phương Tây dịch đơn giản cụm từ “Đông Hải” sang tiếng Anh.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, “South China Sea” chỉ là một cái tên vay mượn và không hề có ý nghĩa về chủ quyền của Trung Quốc. Có lẽ đã đến lúc phải đặt tên quốc tế chính thức cho Biển Đông, giống như cách người ta đặt tên cho biển Địa Trung Hải ở châu Âu – một tên gọi “trung dung” để chỉ các vùng biển nằm ở phía Đông, Tây, Nam, Bắc của các quốc gia ven biển và có thể dễ dàng dịch sang mọi ngôn ngữ.

Chiến dịch kêu gọi đổi tên cho Biển Đông trên trang mạng “achange.org” khởi xướng từ năm 2011, đề nghị lấy tên “Biển Đông Nam Á” (Southeast Asia Sea) đã đưa ra một số điểm đáng lưu ý, trong đó có nhận định: Các quốc gia Đông Nam Á bao bọc gần như toàn bộ vùng biển này với các đường bờ biển cộng lại dài khoảng 130.000km, trong khi bờ biển phía Nam Trung Quốc chỉ có 2.800km. Một số ý kiến còn đề nghị lấy tên gọi “Biển ASEAN” (ASEAN Sea). Biển Đông Nam Á là tên gọi đúng với vị trí địa lý của vùng biển này, trong khi Biển ASEAN mang ý nghĩa địa chính trị và cộng đồng nhiều hơn.

Ngày 12-7 vừa qua, Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc, bác bỏ tuyên bố về “quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong cái gọi là “đường 9 đoạn”. Bất chấp phán quyết của Tòa án quốc tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục giữ yêu sách phi lý về “đường 9 đoạn” trên Biển Đông nhằm đòi hỏi chủ quyền đối với gần như toàn bộ diện tích vùng biển này. Với tên gọi quốc tế “South China Sea” như hiện nay, nhiều người dễ lầm tưởng rằng, đó là biển của Trung Quốc. Vì vậy, việc đề nghị Liên hợp quốc đổi lại cách viết tên này là phù hợp. Theo chuyên gia Ellen Frost thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Tây tại Hawaii (Mỹ), việc thay đổi tên gọi cho Biển Đông sẽ chỉ là một sự đóng góp nhỏ, phần nhiều mang tính chất kỹ thuật, nhưng lại có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và ổn định trong khu vực.

Như Trung

Share
Published by
THCS An Phú

Recent Posts

  • Tử Vi

Lịch âm 3/1 – Tra cứu lịch âm hôm nay thứ Ba ngày 3/1/2023

Thông tin chung về Lịch âm hôm nay 3/1Dương lịch hôm nay là 3/1/2023, tương…

2 giờ ago
  • Giáo Dục

Bài toán lớp 1 gây tranh cãi: "Không hiểu giờ chương trình học thế nào nữa"

Bài toán lớp 1 gây tranh cãiCứ tưởng rằng Toán lớp 1 sẽ dễ nhất…

3 giờ ago
  • Tử Vi

Năm 2029 là năm con gì, mệnh gì? Phong thủy, tính cách, màu sắc mọi thứ cần biết

Đối với những người theo chủ nghĩa tâm linh, việc tìm hiểu về bản mệnh…

3 giờ ago