Categories: Tử Vi

Vài nét tổng quan về thế giới năm 2009 – Tạp chí Quốc phòng toàn dân

Published by
THCS An Phú

Năm 2009 – năm áp chót của thập niên thứ nhất trong thế kỷ XXI – đang khép lại. Đây là năm thế giới không có những sự kiện động trời, không có những can dự tai tiếng và cũng không có những cuộc chiến tranh nổi đình nổi đám. Quan sát cận cảnh hơn, người ta còn thấy, năm nay, thế giới không phát sinh những cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo có tính bùng nổ và cũng không có những thảm họa tương tự như cơn bão Ka-tri-na ở Mỹ, sóng thần ở Nam Á, động đất ở Trung Quốc trong những năm trước đó, v.v. Còn nữa, nếu cuối năm 2007, cuộc khủng hoảng tài chính manh nha tại Mỹ và nó nhanh chóng bùng phát trên toàn cầu vào năm 2008 (trở thành cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính nghiêm trọng nhất mà loài người phải chứng kiến trong vòng bảy thập kỷ qua) thì năm 2009, thế giới đã bình tĩnh và chủ động hơn trong việc đối phó với cơn bĩ cực của mình. Nói ngắn gọn, năm 2009 là năm thế giới tĩnh lặng hơn so với nhiều năm trở lại đây. Tuy vậy, năm mà thế giới sắp trải qua cũng là năm rất đáng để chúng ta xem xét trên nhiều góc độ. Bài viết này chỉ đề cập đến mấy vấn đề nổi bật sau đây:

Một là, kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi.

Đây là điểm nổi bật nhất, chi phối mạnh mẽ nhất đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội quốc tế trong năm. Qua những chỉ số thống kê chủ yếu, nhất là của một số nền kinh tế lớn, có thể thấy, 6 tháng cuối năm 2009, kinh tế thế giới đã có những dấu hiệu tích cực. Kinh tế Mỹ- nền kinh tế lớn nhất thế giới và cũng là nền kinh tế phải chịu trận đầu tiên của cuộc khủng hoảng- đã tăng trưởng trở lại trong quý III/2009 sau 4 quý liền tăng trưởng âm. Liên minh châu Âu (EU) cũng có những tín hiệu tương tự bởi sau 15 tháng giảm liên tục, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình ở 27 nước thành viên EU trong quý III/2009 đã đạt 0,2%; trong đó, kinh tế Đức tăng trưởng 0,7%. Cùng thời điểm, tức là cũng trong quý III năm nay, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng 1,2% so với quý liền kề trước đó. Như vậy, với việc 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới, vốn lún sâu vào cuộc khủng hoảng, lại đồng thời tăng trưởng trở lại vào cùng một thời điểm, khiến các nhà phân tích thận trọng nhất cũng phải thừa nhận rằng, kinh tế thế giới đã có dấu hiệu phục hồi rõ rệt.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm để nói rằng, kinh tế thế giới đang đi vào giai đoạn phát triển hậu khủng hoảng, bởi trên thực tế, cuộc khủng hoảng còn diễn tiến rất phức tạp và chưa biết lúc nào nó mới đi đến hồi kết. Hơn nữa, trong bối cảnh một loạt nền kinh tế, nhất là Mỹ, tiếp tục có những dấu hiệu lạc quan về kinh tế, thì số người thất nghiệp và tình trạng thâm hụt ngân sách lại nói lên nhiều điều đáng buồn. Chẳng hạn, GDP (tổng sản phẩm nội địa) trong quý III/2009 của Mỹ tăng trưởng 3,5% nhưng cùng với đó tỷ lệ thất nghiệp là 9,8% (được công bố vào tháng 10-2009). Không dừng ở đó, một tháng sau, tức là số liệu công bố vào tháng 11-2009 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã lên tới 10,2% (mức thất nghiệp cao nhất trong vòng 26 năm qua tại nước này) khiến số lao động bị thất nghiệp của Mỹ lên tới 15,89 triệu người. Đó là điều giải thích vì sao con số tăng trưởng 3,5% kia không thể được duy trì, vì tỷ lệ thất nghiệp tăng sẽ kìm hãm tiêu dùng – lĩnh vực chiếm tới 70% GDP của Mỹ. Nói cách khác, thất nghiệp gia tăng là bóng đen phủ lên tương lai của kinh tế Mỹ. Đó là chưa kể đến việc một số nhà kinh tế cho rằng: kết quả tăng trưởng vừa qua ở Mỹ chẳng qua chỉ là kết quả ảo, bởi kinh tế Mỹ mới chạm đáy từ tháng 7-2009, vừa bắt đầu phục hồi; hơn nữa, gói kích thích kinh tế 787 tỉ đô-la hồi tháng 2-2009, do giải ngân quá chậm và sử dụng không đúng chỗ, nên chưa kịp công hiệu. Theo họ, kế hoạch “bơm tiền” cho dân đổi xe cũ, mua xe mới khiến số xe bán tăng vọt là yếu tố chính đẩy đà tăng trưởng lên 3,5%, nhưng yếu tố này nhanh chóng mất đi, nên mức tăng trưởng 3,5% là không bền.

Như vậy, một khi nền kinh tế đầu tầu của thế giới còn biểu hiện tăng trưởng không bền vững thì chưa lấy gì đảm bảo rằng kinh tế thế giới đã vượt qua cuộc khủng hoảng. Để kinh tế phát triển bền vững, cộng đồng quốc tế cần phải thống nhất với nhau về một loạt vấn đề, như cơ cấu lại kinh tế, phản đối mạnh mẽ hình thức bảo hộ mậu dịch, định hướng tăng trưởng dài hạn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, v.v. Còn làm gì để thế giới đoạn tuyệt với khủng hoảng kinh tế, thì đó là một câu chuyện dài, bởi chỉ có cải biến xã hội, loại bỏ bất công thì mới triệt tiêu được các mầm mống gây khủng hoảng. Trong khi tiến đến điều đó, chúng ta cũng nên chú ý đến nhà kinh tế học E. Ốt-trôm (người vừa được trao giải Nô-ben kinh tế năm 2009). Với việc bắt tay vào tìm kiếm những con đường phát triển xã hội không khủng hoảng nằm ngoài những tín điều thị trường thông thường, E. Ốt-trôm cho rằng, cứu rỗi của nền kinh tế thế giới không phải trong quá trình toàn cầu hóa của nó và cũng không phải ở sự thần thánh hóa doanh nghiệp tư nhân, mà là ở sự gia tăng các mô hình cộng đồng khác nhau – từ các công xã và các làng xã tới các thị trấn, thị tứ nhỏ hay các hợp tác xã, vì chính chúng là các chủ thể quản lý có hiệu quả nhất mà không mâu thuẫn nhất. Bà còn khẳng định, phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ thiên nhiên, gìn giữ cho các thế hệ mai sau sự cân bằng sinh thái tối cần thiết và bà gọi đó là “nền kinh tế có gương mặt con người”. Thiết nghĩ, trong bối cảnh suy thoái nền kinh tế thế giới hiện nay, luận điểm trên rất đáng để các quốc gia suy ngẫm.

Hai là, đối thoại, hợp tác và liên kết trở thành một xu thế mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu.

Chưa bao giờ sự quan hệ, hợp tác giữa các nước, đặc biệt là giữa các cường quốc lại trở nên “nồng ấm” và sôi động như hiện nay. Đây cũng là một điểm đáng chú ý của đời sống chính trị quốc tế so với những năm trước đây. Nó có thể được xem như là một xu thế, một trào lưu trong một trật tự thế giới mới đang được hình thành – thế giới đa cực. Mở đầu cho xu thế đó là mối quan hệ Nga – Mỹ. Tháng 3-2009, Nga và Mỹ tái khởi động đàm phán về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược. Tháng 6-2009, hai bên tiếp tục “đạt được tiến triển” trong vòng đàm phán thứ ba về hiệp ước mới thay thế Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược giai đoạn I (START-I). Đặc biệt, một tháng sau đó, tháng 7-2009, trong chuyến thăm chính thức nước Nga, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma và Tổng thống Nga Đ.Mét-vê-đép đã tiến hành hội đàm trong bầu không khí được dư luận đánh giá là “thân thiện, cởi mở và chân thành”. Hai vị nguyên thủ của hai quốc gia đã đề cập đến những vấn đề hệ trọng không chỉ liên quan đến hai nước mà còn đối với cả thế giới. Qua hội đàm, Nga đồng ý để Mỹ vận chuyển quá cảnh hàng hóa, binh sĩ và vũ khí qua lãnh thổ Nga trong cuộc chiến chống khủng bố mà Mỹ là nhân vật chính tại Áp-ga-ni-xtan. Đáp lại cử chỉ của Nga, sau hội đàm, Mỹ tuyên bố tạm thời ngừng triển khai hệ thống lá chắn tên lửa tại Đông Âu. Gần đây, hai bên tiếp tục có quan điểm gần nhau về chương trình hạt nhân của I-ran, thậm chí hai bên còn “sẵn sàng xây dựng hệ thống phòng thủ chung” – điều mà trước đây, ngay cả trong ý tưởng cũng chưa hề có. Rõ ràng, với việc hai nước sở hữu 95% kho vũ khí hạt nhân của thế giới, quan hệ Nga – Mỹ có những dấu hiệu tích cực không chỉ làm giảm đi những bất đồng, thậm chí căng thẳng giữa hai bên, mà còn đảm bảo cho thế giới ổn định hơn. Nhìn ở một góc độ khác, có thể thấy, quan hệ Nga – Mỹ có tác động tích cực đến mối quan hệ, hợp tác, liên kết, cả ở phạm vi khu vực và trên thế giới.

Nếu quan hệ “ấm lên” giữa Nga và Mỹ là “sự kiện lịch sử sau kỷ nguyên chiến tranh lạnh” thì quan hệ Mỹ – Trung cũng là một điểm nhấn quan trọng trong năm 2009. Hai nước đã tiến hành cuộc “Đối thoại kinh tế và chiến lược Mỹ – Trung” vào cuối tháng 7-2009. Đặc biệt, trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc tháng 11 vừa qua, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã mang theo một thông điệp, rằng: “Mỹ muốn tìm kiếm sự hợp tác với Trung Quốc. Mỹ không có ý định kiềm chế Trung Quốc.” Về phía Trung Quốc, nói đến quan hệ Mỹ – Trung, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng nhấn mạnh: “Đối thoại tốt hơn đối đầu và đối tác tốt hơn đối địch.” Thật vậy, với việc Trung Quốc đang nắm giữ trên 800 tỷ đô-la trái phiếu chính phủ Mỹ, lợi ích của hai nước đang ngày càng gắn chặt với nhau hơn. Trong cuộc hội đàm vừa qua giữa hai nước, Trung Quốc tỏ ý không theo đuổi ý tưởng “G-2” (cơ cấu quyền lực Mỹ – Trung), song cả hai bên đều thống nhất phát triển mối quan hệ Mỹ – Trung theo hướng “tích cực, hợp tác và toàn diện”, lấy cạnh tranh thay cho đối đầu.

Đi đôi với các mối quan hệ nêu trên, quan hệ Nga – Anh làm sống lại mối quan hệ giữa hai nước vốn bị lạnh giá trong nhiều năm; quan hệ Nga – Nhật, với bước đột phá trong tháng 11 là hai nước đã ký thỏa thuận Hiệp ước hòa bình mà không gắn với bất kỳ điều kiện nào; quan hệ Nga – NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) đánh dấu quan hệ trở lại giữa hai thực thể sau cuộc chiến Nga – Gru-di-a năm 2008; quan hệ Mỹ – ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) với việc Oa-sinh-tơn công khai thừa nhận vai trò “trung tâm” của ASEAN trong khu vực, v.v. Cùng với các mối quan hệ song phương, mối quan hệ đa phương với sự liên kết khu vực, đa khu vực, liên châu lục trong năm 2009 có xu hướng gia tăng rõ rệt. Vào thời điểm cuối năm, hàng loạt hội nghị được diễn ra, trong đó hầu như hội nghị nào cũng xác định một phần chủ đề của mình là “bắt tay”, “kết nối” (thực chất là hợp tác và liên kết). Đó là những biểu hiện phản ánh nhu cầu hợp tác, đối thoại là một xu thế mạnh mẽ trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, sự tranh giành ảnh hưởng và những mẫu thuẫn về lợi ích giữa các trung tâm quyền lực và giữa các cường quốc vẫn là rào cản chủ yếu trong các mối quan hệ quốc tế. Bởi vậy, dư luận mong muốn việc đối thoại, hợp tác và liên kết nêu trên không chỉ là xu thế mà nó cần trở thành một vấn đề tất yếu, bền vững, lâu dài và thực chất trên thế giới. Nó đối lập với cái gọi là “sớm nở tối tàn”, “phân biệt ngôi thứ”, hay “tranh tài cao thấp” trong các mối quan hệ. Nói cách khác, điều mà nhân loại cần là các mối quan hệ dù song phương hay đa phương cũng đều phải hướng tới sự cân bằng, đảm bảo bình đẳng, cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc, luật pháp quốc tế và trên hết là vì một thế giới ổn định và phát triển.

Ba là, thế giới đồng thời cùng tồn tại nhiều mối đe dọa khôn lường hơn bao giờ hết.

Bấy lâu nay, khi nói đến sự ổn định hay mất ổn định là người ta thường xem xét, phân tích dưới góc độ: chính trị, xã hội, kinh tế, an ninh (an ninh truyền thống). Điều đó chẳng có gì lạ. Bởi vẫn còn đó một thế giới đầy rẫy bất ổn. Tiến trình hòa bình Trung Đông, sau bao nỗ lực, vẫn còn muôn vàn trắc trở. Ở Áp-ga-ni-xtan và I-rắc, súng vẫn nổ và máu vẫn đổ; Pa-ki-xtan thì càng về cuối năm càng dồn dập các vụ đánh bom khủng bố. Còn nữa, vấn đề hạt nhân của Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên chưa có bước tiến triển mang tính đột phá. Tương tự, vấn đề hạt nhân của I-ran vẫn dẫm chân tại chỗ; thậm chí, có người còn mạnh miệng đồ rằng: một cuộc chiến tranh sắp hiện hữu là điều không thể tránh khỏi! Ấy là chưa nói đến trên thế giới hiện nay còn không ít “điểm nóng” bạo lực, đáng nhắc đến nhất là vụ thảm sát tàn bạo tại Phi-líp-pin gần đây, bên cạnh đó còn có những cuộc khủng hoảng về quan hệ có thể dẫn đến bạo lực bất cứ lúc nào.

Nhưng sự ổn định của một nước, một khu vực hay của thế giới ngày nay không dừng ở đó. Năm 2009 còn cho chúng ta thấy khá rõ một số mối đe dọa khác thậm chí khôn lường hơn các mối đe dọa nêu trên. Đó là các mối đe dọa xuất phát từ sự biến đổi khí hậu (BĐKH) – một chủ đề đang bao trùm lên đời sống cộng đồng quốc tế. Tại sao lại như vậy, khi chúng ta biết rằng thảm họa thiên tai trong năm 2009 không phải là lớn nhất so với vài năm gần đây? Câu trả lời nằm ở chỗ: 1,02 tỷ người trên thế giới đang bị đói; chính phủ Ha-i-ti bị sụp đổ và 30 nước bùng phát tình trạng bạo động do thiếu lương thực (xuất phát từ sự BĐKH và khủng hoảng kinh tế). Bên cạnh những điều mà thế giới đã phải chứng kiến ấy, hành tinh của chúng ta còn tồn tại vô số nguy cơ có thể biến thành thảm họa. Một trong những nguy cơ đó là tình trạng nước biển dâng, kéo theo sự đe dọa về chủ quyền lãnh thổ, hoặc BĐKH sẽ tạo ra làn sóng di cư hay xung đột giữa các quốc gia, thậm chí ngay trong một quốc gia – điều mà trước đây người ta chỉ nghĩ đến các mối đe dọa truyền thống, như: chiến tranh xâm lược, xung đột sắc tộc, tôn giáo. Nói cách khác, thế giới đang đồng thời phải đối mặt với nhiều mối hiểm họa khôn lường. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cộng đồng quốc tế cần có sự thống nhất về nhận thức và hành động, với những bước đi mạnh mẽ và thực chất để đồng thời ngăn chặn cả hai mối đe dọa nêu trên. Nhân đây, xung quanh việc chống BĐKH, chúng ta cũng cần nhắc lại rằng, Nghị định thư Ky-ô-tô đã xây dựng một hệ thống vững chắc bao gồm các cam kết, trong đó có cả các biện pháp trừng phạt trong trường hợp không tuân thủ, song thực tế là không ít quốc gia đã tảng lờ điều này.

Điều tương tự trên có xảy ra trong những năm tới hay không, câu trả lời còn bỏ ngỏ. Ngày nay, không một quốc gia nào có thể độc lập giải quyết những vấn đề của riêng mình. Chỉ có gấp nhiều lần nỗ lực và trách nhiệm của từng quốc gia, nhất là đối với các quốc gia phát triển và đang phát triển có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn, thì thế giới mới đủ sức đối phó với những thảm họa. Dư luận tin rằng, năm 2009 qua đi, để lại đằng sau nó dấu hiệu phục hồi về kinh tế, xu thế đối thoại, hợp tác liên kết cùng với sự thật về đói nghèo và an ninh bất ổn, là những động lực cũng như lời cảnh tỉnh để thế giới biết phải làm gì, trước khi quá muộn.

ĐỨC LÊ

Share
Published by
THCS An Phú

Recent Posts

  • Giáo Dục

Cách tính điểm học kỳ sau quy định đánh giá học sinh mới

Thông tư 22 (năm 2021) nêu rõ cách đánh giá kết quả học tập của…

3 phút ago
  • Giáo Dục

Ngành Dược thi khối nào? Các khối thi ngành Dược 2024

Ngành Dược nói chung và khối ngành Chăm sóc sức khoẻ nói riêng luôn nhận…

18 phút ago
  • Tử Vi

Formosa đứng đầu các vụ gây ô nhiễm năm 2016

Ông Nguyễn Hữu Thành (60 tuổi, xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên…

28 phút ago