Categories: Tử Vi

Tình hình kinh tế – xã hội 10 năm 1991-2000

Published by
THCS An Phú
  1. TỔNG QUAN

A- BỐI CẢNH VÀ PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ – XÃ HỘI 10 NĂM 1991 – 2000

Đại hội Đảng lần thứ VII tiến hành vào cuối tháng 6 năm 1991 đã đánh giá những mặt làm được cũng như chưa được trong kế hoạch 5 năm 1986 – 1990 và thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2000 với mục tiêu tổng quát là: Ra khỏi khủng hoảng, ổn định tình hình kinh tế- xã hội. Phấn đấu vượt qua tình trạng nước nghèo và kém phát triển, cải thiện đời sống nhân dân, củng cố quốc phòng và an ninh, tạo tiền đề cho đất nước phát triển nhanh hơn vào đầu thế kỷ 21. Tổng sản phẩm trong nước đến năm 2000 gấp đôi năm 1990. Đại hội cũng đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ tổng quát cho kế hoạch 5 năm 1991-1995 là: Vượt qua khó khăn, thử thách, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực và bất công xã hội, đưa đất nước cơ bản ra khỏi khủng hoảng kinh tế.

Bước vào thực hiện phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu nêu trên, nền kinh tế nước ta gặp một số khó khăn lớn là, trong khi chưa ra khỏi khủng hoảng và lạm phát, Mỹ và các thế lực thù địch vẫn tiếp tục cấm vận và bao vây kinh tế thì Liên Xô tan rã, các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu sụp đổ. Các khoản viện trợ quốc tế cũng như thị trường xuất khẩu và nhập khẩu bị thu hẹp đáng kể. Tổng mức lưu chuyển ngoại thương của nước ta với khu vực đồng Rúp giảm sút rõ rệt, cả năm 1991 chỉ đạt 366,4 triệu rúp, bằng 15,1% năm 1990, trong đó xuất khẩu 77,3 triệu rúp, bằng 7,3%; nhập khẩu 289,1 triệu rúp, bằng 21,0%. Nhiều chương trình hợp tác liên doanh với khu vực này đã đổ vỡ hoàn toàn. Các khoản viện trợ không hoàn lại và cho vay ưu đãi đột ngột chấm dứt.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, còn có những thuận lợi rất cơ bản. Đường lối đổi mới được triển khai và bước đầu đã phát huy tác dụng tích cực. Kinh nghiệm tổ chức, quản lý và điều hành nền kinh tế hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa từng bước được tích luỹ. Các đơn vị kinh tế cơ sở sau một thời gian chao đảo đã dần dần thích nghi được với cơ chế quản lý mới. Quá trình mở cửa và hội nhập với bên ngoài cũng thu được kết quả nhất định. Tất cả những điều đó đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần, kinh nghiệm và lòng tin để tiếp tục sự nghiệp đổi mới.

Đại hội Đảng lần thứ VIII tiến hành vào tháng 6 năm 1996 đã khẳng định những nhiệm vụ do Đại hội VII đề ra cho 5 năm 1991-1995 đã được hoàn thành về cơ bản. Nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế – xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hoá đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ mới: đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Mười năm thực hiện Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội VII và Đại hội VIII, chúng ta đã thu được những thành tựu rất cơ bản và có ý nghĩa nhiều mặt. Nhưng đồng thời cũng bộc lộ không ít những mặt còn hạn chế và yếu kém. Có thể lượng hoá thành tựu cũng như hạn chế này bằng những số liệu thống kê kinh tế- xã hội chủ yếu dưới đây:

B- NHỮNG THÀNH TỰU CHỦ YẾU

1- KINH TẾ TĂNG TRƯỞNG LIÊN TỤC VỚI TỐC ĐỘ TĂNG TƯƠNG ĐỐI CAO, ĐƯA ĐẤT NƯỚC RA KHỎI SIÊU LẠM PHÁT VÀ KHỦNG HOẢNG KINH TẾ.

Từ năm 1991 đến năm 2000 tổng sản phẩm trong nước tăng liên tục qua các năm với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 7,56%. Nhờ vậy, đến năm 2000 tổng sản phẩm trong nước đã gấp 2,07 lần năm 1990, không những đạt và vượt mục tiêu tổng quát đề ra cho Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế – xã hội 1991- 2000 là tổng sản phẩm trong nước gấp 2 lần, mà còn đứng vào hàng các nền kinh tế trong khu vực có tốc độ tăng trưởng cao của thập niên 90. Trong 10 năm 1991- 2000 kinh tế Hàn Quốc gấp 2,66 lần với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 10,28%; Hai chỉ tiêu tương ứng của Singapo là 2,05 lần và 7,43%/năm; Malaixia 1,87 lần và 6,50%/năm; Thái Lan 1,60% lần và 4,80%/năm; Indonexia 1,48 lần và 4,0%/năm; Philipin 1,31 lần và 2,80% năm. Kinh tế Trung Quốc 5 năm 1996-2000 cũng chỉ tăng 48% với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 8,16%. Đáng chú ý là trong cả hai kế hoạch 5 năm của thời kỳ này, các khu vực kinh tế và các ngành kinh tế then chốt, trước hết là nông nghiệp và công nghiệp đều đạt được tốc độ tăng trưởng cao.

Một trong những thành tựu kinh tế to lớn nhất trong 10 năm vừa qua là phát triển nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lương thực. Sau nhiều năm kiên trì giải quyết vấn đề lương thực, đến nay an toàn lương thực đã được khẳng định. Sản lượng lương thực qui thóc năm 2000 đạt 35,6 triệu tấn, tăng 14,1 triệu tấn so với năm 1990, bình quân mỗi năm trong 10 năm 1991- 2000 tăng trên 1,4 triệu tấn. Do sản lượng lương thực tăng nhanh nên mặc dù trong 10 năm qua dân số nước ta đã tăng thêm gần 12,1 triệu người nhưng lương thực qui thóc bình quân đầu người vẫn tăng từ 327,5kg năm 1990 lên 458,2kg năm 2000. Nếu chỉ tính lương thực có hạt gồm lúa, ngô và lương thực có hạt khác, không tính khoai lang và sắn theo qui định mới phù hợp với thông lệ quốc tế thì sản lượng lương thực năm 2000 đạt 34,5 triệu tấn, tăng 14,5 triệu tấn so với năm 1990. Lương thực bình quân đầu người tăng từ 303,2kg năm 1990 lên 443,9kg năm 2000. Lương thực sản xuất được hàng năm không những đủ tiêu dùng trong nước mà còn xuất khẩu mỗi năm 3-4 triệu tấn gạo, đưa nước ta vào danh sách những nước xuất khẩu gạo hàng đầu của thế giới.

Sản lượng lương thực bình quân đầu người tương đối cao và lưu thông lương thực dễ dàng, thuận tiện đã tạo điều kiện cho từng vùng, từng địa phương lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh của mình theo hướng sản xuất hàng hoá, nâng cao lượng giá trị trên một đơn vị diện tích canh tác. Do vậy, diện tích cây công nghiệp hàng năm năm 2000 đã đạt 808,7 nghìn ha, gấp gần 1,5 lần năm 1990; diện tích cây ăn quả 541,0 nghìn ha, gấp trên 1,9 lần; diện tích cây công nghiệp lâu năm 1,4 triệu ha, gấp 2,1 lần. Cùng với gạo, cà phê, cao su, hạt điều, hạt tiêu, chè, lạc, rau quả đã trở thành những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng. Trong 10 năm 1991-1995, bình quân mỗi năm xuất khẩu gạo tăng 7,6 %, hàng rau quả tăng 10,8%/năm; cao su tăng 12,4% /năm; cà phê tăng 17,7%/năm; hạt tiêu tăng 24,8%/năm; hạt điều tăng 37,5%/năm.

Chăn nuôi gia súc và gia cầm cũng phát triển với tốc độ nhanh. Giá trị sản xuất của ngành chăn nuôi năm 2000 tăng 75% so với năm 1990, bình quân mỗi năm tăng 5,8%. Đến năm 2000 đàn bò có 4,1 triệu con, tăng trên 1,0 triệu con so với năm 1990; đàn gia cầm 196,1 triệu con, tăng 88,7 triệu con; đàn lợn 20,2 triệu con, tăng 7,9 triệu con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 1,4 triệu tấn, gấp gần 2 lần năm 1990.

Sản xuất công nghiệp đi dần vào thế phát triển ổn định với tốc độ tăng bình quân mỗi năm 13,6%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng 11,4%; khu vực ngoài quốc doanh tăng 11,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 22,5%. Tính theo giá trị sản xuất thì qui mô sản xuất công nghiệp năm 2000 đã gấp 3,6 lần năm 1990, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước gấp trên 2,9 lần; khu vực ngoài quốc doanh gấp 2,8 lần; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gấp 7,6 lần.

Những sản phẩm công nghiệp quan trọng phục vụ sản xuất và tiêu dùng của dân cư nhìn chung đều tăng cả về số lượng cũng như về chất lượng. Năm 2000 sản lượng than khai thác đạt trên 10,8 triệu tấn, gấp 2,3 lần năm 1990; dầu thô 16,3 triệu tấn, gấp 6,0 lần; điện 26,6 tỷ kwh, gấp 3,0 lần; xi măng13,3 triệu tấn, gấp 5,3 lần; thép cán 1,7 triệu tấn, gấp 16,5 lần; phân hoá học 1,3 triệu tấn, gấp 3,8 lần; giấy bìa 37,7 vạn tấn, gấp 4,8 lần; lắp ráp ti vi 1,0 triệu cái, gấp 7,2 lần; quần áo may sẵn 333,7 triệu chiếc, gấp 2,7 lần; đường mật 1,2 triệu tấn, gấp 3,6 lần; bia 728,0 triệu lít, gấp 7,7 lần.

Do kinh tế phát triển và việc quản lý điều hành của Chính phủ cũng như của các cấp, các ngành sát sao và ngày càng phù hợp với qui luật nên siêu lạm phát bị đẩy lùi. Giá cả từ tốc độ tăng hai chữ số mỗi năm trong những năm 1991-1995 đã giảm xuống chỉ còn tăng một chữ số trong những năm 1996- 2000. Chỉ số giá tiêu dùng so với tháng 12 năm trước tăng 67,5% trong năm 1991 và tăng 17,5% trong năm 1992, nhưng năm 1999 chỉ còn tăng 0,1% và năm 2000 giảm 0,6%. Tương tự, năm 1991 giá vàng tăng 88,7% và giá đô la Mỹ gấp trên 2,0 lần mức giá tháng 12-1990, nhưng trong năm 2000 giá vàng giảm 1,7% và giá đô la Mỹ chỉ còn tăng 3,4% so với tháng 12/1999. Giá cả đã được kiểm soát, những cơn sốt về giá hàng hoá, giá vàng và giá ngoại tệ đã được loại trừ. Kết quả chống lạm phát vững chắc và đưa nền kinh tế ra khỏi khủng hoảng đã được thử thách và khẳng định trong cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ trong khu vực diễn ra năm 1997-1998. Cuộc khủng hoảng này tuy có làm cho nền kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, nhưng không bị đảo lộn như các nền kinh tế khác.

2- CƠ CẤU KINH TẾ TỪNG BƯỚC CHUYỂN DỊCH THEO HƯỚNG ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ.

Một trong những nội dung quan trọng của đường lối đổi mới kinh tế do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là đổi mới cơ cấu kinh tế, bao gồm cơ cấu ngành, cơ cấu vùng và cơ cấu thành phần kinh tế. Trong những năm vừa qua sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy còn chậm chạp nhưng xu hướng chuyển dịch tương đối rõ, nhất là cơ cấu ngành. Nếu phân chia nền kinh tế thành ba khu vực: (1) Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản, (2) Công nghiệp và Xây dựng: (3) Dịch vụ, thì tỷ trọng giá trị tăng thêm của mỗi khu vực theo giá hiện hành chiếm trong tổng sản phẩm trong nước đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng của khu vực nông nghiệp, trong khi vẫn duy trì được tốc độ tăng của tất cả các khu vực và các ngành kinh tế. Đó là sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng và phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Cơ cấu vùng kinh tế cũng bắt đầu có sự chuyển dịch theo hướng hình thành các vùng động lực phát triển kinh tế, vùng chuyên canh và các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất qui mô lớn. Chúng ta chủ trương kiến tạo một nền kinh tế hàng hoá vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Do vậy, sự chuyển dịch cơ cấu các thành phần kinh tế chỉ có thể coi là tích cực nếu kinh tế Nhà nước vẫn giữ được vai trò chủ đạo; đồng thời tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khác phát huy được tiềm năng to lớn của mình. Theo tinh thần này, mặc dù những năm vừa qua doanh nghiệp Nhà nước tuy có giảm về số lượng doanh nghiệp do tổ chức, sắp xếp lại và thực hiện chủ trương cổ phần hoá, nhưng tỷ trọng của thành phần kinh tế này chiếm trong tổng sản phẩm trong nước đã tăng từ 31,1% năm 1991 và 34,3% năm 1992 lên trên dưới 40% những năm gần đây và là thành phần kinh tế có tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng sản phẩm trong nước. Tỷ trọng của các thành phần kinh tế khác chiếm trong tổng sản phẩm trong nước những năm vừa qua là: Kinh tế tập thể chiếm 10%; kinh tế cá thể, bao gồm cả hộ nông dân chiếm 30%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài chiếm 12%, còn lại là kinh tế tư nhân và hỗn hợp sở hữu.

3- QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI CƠ CHẾQUẢN LÝ KINH TẾĐÃ CƠ BẢN HOÀN THÀNH, CHO PHÉP CHUYỂN SANG GIAI ĐOẠN HOÀN THIỆN CƠ CHẾMỚI THEO CHIỀU SÂU.

Nội dung cốt lõi của đường lối đổi mới kinh tế do Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra là chuyển nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp, dựa trên chế độ công hữu tư liệu sản xuất với hai hình thức Nhà nước và tập thể là chủ yếu, sang nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên ý nghĩa đó mà xét thì quá trình đổi mới kinh tế trước hết là đổi mới cơ chế quản lý.

Tuy nhiên, phải sau một thời gian thử nghiệm, đến cuối năm 1988 và đầu năm 1989 chúng ta mới thực sự bắt đầu triển khai việc xác lập cơ chế quản lý mới. Sở dĩ như vậy vì, nếu như các nước trong khu vực, cơ chế thị trường đã được hình thành từ lâu thì ở nước ta việc xác lập cơ chế mới này có đặc thù là phải thông qua chuyển đổi. Sự đoạn tuyệt với cơ chế cũ, xây dựng và vận hành cơ chế mới là cả một quá trình gay go, phức tạp vì cơ chế cũ đã từng ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của hàng triệu người.

Nhưng nhờ có tinh thần chủ động, sáng tạo và quyết tâm đổi mới của toàn Đảng, toàn dân nên ngay từ những năm 1991-1995 chúng ta đã tiến hành hàng loạt các biện pháp cải cách chính sách kinh tế vĩ mô để vừa gỡ bỏ cơ chế cũ, vừa tổng kết kinh nghiệm xây dựng cơ chế mới. Đến nay, cơ chế mới thay thế cơ chế cũ trong việc vận hành nền kinh tế, tức là quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kỳ hoàn thiện cơ chế quản lý mới theo hướng phát triển chiều sâu, tạo lập đồng bộ các yếu tố thị trường, hoàn chỉnh hệ thống pháp luật, đổi mới công tác kế hoạch hoá, công tác tài chính, tiền tệ và giá cả. Đây chính là một trong những thành tựu to lớn, có ý nghĩa nhiều mặt mà chúng ta đã đạt được trong những năm 1991- 2000 vừa qua.

4- ĐÃ THÀNH CÔNG TRONG VIỆC MỞ CỬA, HỘI NHẬP QUỐC TẾ, PHÁ THẾBAO VÂY, CẤM VẬN KINH TẾVÀ THƯƠNG MẠI .

Nước ta thực hiện đường lối mở cửa và hội nhập quốc tế đúng vào thời kỳ mà thế giới chuyển từ đối đầu sang đối thoại. Công cuộc đổi mới nói chung và đổi mới kinh tế nói riêng của nước ta lại thu được những thành tựu quan trọng làm cho vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng lên rõ rệt. Tất cả những điều đó đã tạo môi trường thuận lợi để chúng ta thực hiện phương châm ” Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”.

Sau nhiều năm thực hiện chính sách cấm vận và bao vây kinh tế chống Việt Nam, ngày 11-7-1995 Mỹ đã tuyên bố bình thường hoá quan hệ ngoại giao với nước ta và ngày 12-7-1995 hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngày 17-7-1995 nước ta và Liên minh Châu Âu đã ký Hiệp định chung về hợp tác kinh tế, thương mại và khoa học kỹ thuật. Ngày 28-7-1995 nước ta đã trở thành thành viên thứ 7 của Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Năm 1998 nước ta đã tham gia diễn đàn kinh tế các nước Châu á-Thái Bình Dương – APEC. Tháng 7-2000 nước ta ký Hiệp định thương mại với 61 nước, trong đó có Mỹ, góp phần đưa tổng số nước có quan hệ ngoại thương với nước ta từ con số 50 nước năm 1990 lên 170 nước và vùng lãnh thổ vào năm 2000.

Nhờ vậy, tổng mức lưu chuyển ngoại thương năm 2000 đã đạt 29,5 tỷ USD, gấp 5,7 lần năm 1990, trong đó xuất khẩu đạt 14,3 tỷ USD, gấp gần 6,0 lần; nhập khẩu đạt 15,2 tỷ USD, gấp 5,5 lần. Trong những năm 1991-2000 bình quân mỗi năm tổng mức lưu chuyển ngoại thương tăng 19,0%, trong đó xuất khẩu tăng 19,6%/ năm; nhập khẩu tăng 18,6%/năm. Xuất khẩu bình quân đầu người năm 2000 đạt 184,2 USD, đưa nước ta ra khỏi danh sách các nước có nền ngoại thương kém phát triển.

Từ tháng 10-1993, quan hệ hợp tác phát triển giữa nước ta với Cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế đã được nối lại. Từ đó đến nay đã có 8 Hội nghị quốc tế về ODA dành cho Việt Nam. Trong 8 Hội nghị này, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho nước ta số vốn ODA lên tới 17,5 tỷ USD và 1,2 tỷ USD hỗ trợ cải cách kinh tế. Trong 10 năm 1991- 2000 chúng ta đã cấp giấy phép cho 2.940 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 37,3 tỷ USD, góp phần đưa vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài lên chiếm 20 – 30% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội những năm vừa qua.

5- ĐỜI SỐNG CÁC TẦNG LỚP DÂN CƯ ĐƯỢC CẢI THIỆN RÕ RỆT, SỰ NGHIỆP VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, Y TẾ VÀ CÁC LĨNH VỰC XÃ HỘI KHÁC ĐƯỢC CỦNG CỐ VÀ TĂNG CƯỜNG

Do kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ tương đối cao nên đời sống dân cư ở cả thành thị và nông thôn đều đã được cải thiện rõ rệt. Kết quả các cuộc điều tra khảo sát mức sống dân cư, điều tra giàu nghèo và điều tra hộ gia đình từ năm 1992 đến nay cho thấy: Thu nhập bình quân mỗi người 1 tháng của các hộ đã tăng từ 92,1 nghìn đồng năm 1992 lên 206,1 nghìn đồng năm 1995 và 295,0 nghìn đồng năm 1999.

Thu nhập bình quân mỗi người một tháng những năm 1992 – 1999

Những hộ thu nhập tương đối cao ngoài chi tiêu cho đời sống hàng ngày còn có tích luỹ xây dựng nhà ở và mua sắm đồ dùng đắt tiền. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở 1- 4- 1999 thì tại thời điểm điều tra 99,93% số hộ đã có nhà ở. Đáng chú ý là 80,7% số nhà ở hiện có tại thời điểm này đã được xây dựng mới, cải tạo hoặc nâng cấp trong những năm 1991 – 1999. Cũng theo kết quả của cuộc tổng điều tra nêu trên, tại thời điểm điều tra đã có 78,1% số hộ dùng điện; 54,2% hộ có ti vi và 45,7% hộ có radio.

Đời sống nông dân và khu vực nông thôn còn được cải thiện trên một góc độ khác, đó là việc xây dựng kết cấu hạ tầng và cung cấp các dịch vụ. Tỷ lệ xã có đường ô tô vào đến trung tâm xã đã tăng từ 87,9% năm 1994 lên 92,9% năm 1999; tỷ lệ xã có điện tăng từ 60,4% lên 85,8%; tỷ lệ xã có trạm y tế tăng từ 93,2% lên 98,0%. Cũng vào năm 1999 đã có 92,3% số xã được phủ sóng truyền hình; 96,2% số xã có trên 20% số hộ có radio và 68,6% số xã có trên 50% dân số được sử dụng nước sạch.

Tỷ lệ hộ nghèo về lương thực, thực phẩm đã giảm từ 55,0% năm 1990 xuống còn 16,5% năm 1995 và 11,3% năm 2000. Nếu tính nghèo cả về hàng hóa không phải là lương thực, thực phẩm theo thông lệ quốc tế thì tỷ lệ hộ nghèo của nước ta cũng giảm từ 41,64% năm 1993 xuống còn 31,31% năm 1996.

Do đời sống thực sự được cải thiện nên khi phỏng vấn 2,5 vạn hộ tự đánh giá về mức sống năm 1999 so với năm 1990 thì có 84,46% số hộ cho rằng đời sống khá lên; 11,11% cho rằng đời sống như cũ và chỉ có 4,43% cho rằng đời sống bị giảm sút.

Sự nghiệp giáo dục tiếp tục đạt được thành tựu mới. Tỷ lệ dân số từ 10 tuổi trở lên biết đọc, biết viết đã tăng từ 88% năm 1989 lên 91% năm 1999. Đến nay đã có 90% số trẻ em 14 tuổi tốt nghiệp tiểu học; 94% dân số trong độ tuổi 15 – 35 biết chữ. Sau 10 năm nỗ lực phấn đấu, đến giữa năm 2000 chúng ta đã hoàn thành chương trình mục tiêu chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Tất cả 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và 596 trong tổng số 614 huyện, quận; 10.141 xã, phường trong tổng số 10.376 xã, phường của cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) thì Chỉ số Giáo dục của nước ta năm 1999 đứng thứ 92/174 nước, góp phần nâng Chỉ số Phát triển Con người- HDI từ vị trí thứ 122/174 nước năm 1995; 113/174 nước năm 1998 lên 110/174 nước năm 1999, xếp trên nhiều nước trong khu vực như Ấn Độ, Pakistan, Myanmar, Bangladesh.

Công tác y tế và chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cũng có những tiến bộ đáng kể. Nhờ đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ y tế, nhất là cán bộ y tế cho các cơ sở nên số thầy thuốc có trình độ trung cấp trở lên tính bình quân cho một vạn dân đã tăng từ 10,8 người năm 1990 lên 11,7 người trong năm 1999; số bác sĩ bình quân một vạn dân cũng tăng từ 3,6 người lên 4,9 người.

C- NHỮNG HẠN CHẾ VÀ YẾU KÉM

  1. TIỀM LỰC KINH TẾ CÒN NON YẾU. HIỆU QUẢ SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG XÃ HỘI THẤP. HÀNG HÓA, DỊCH VỤ THIẾU SỨC CẠNH TRANH.

Những năm vừa qua nền kinh tế nước ta tăng trưởng bình quân mỗi năm 7,56% là một thành công, nhưng do xuất phát điểm thấp nên quy mô kinh tế còn nhỏ bé. Đến năm 2000 bình quân đầu người mới đạt 342,4 kwh điện; 140,0 kg than; 209,5 kg dầu thô; 21,5 kg thép cán; 171,8 kg xi măng; 4,9kg giấy; 4,8 mét vải; 14,9 kg đường mật và 184,2 USD xuất khẩu. Sản xuất lương thực là thế mạnh của nước ta và sản lượng liên tục tăng trong những năm vừa qua nhưng đến năm 2000 cũng mới đạt 443,9 kg/người. Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người năm 2000 tính bằng đô la Mỹ theo phương pháp tỷ giá hối đoái thực tế đạt khoảng 400USD và theo phương pháp sức mua tương đương thì đạt trên 2000 USD. Tờ ASIAWEEK số ra ngày 21/1/2000 đã so sánh tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người năm 1999 của nước ta với các nước trong khu vực và đưa ra kết quả như sau: Nếu Việt Nam là 1,0 thì Indonesia 1,7; Philipin 1,9; Trung Quốc 1,9; Thái Lan 3,4; Malaysia 4,2; Hàn Quốc 7,1; Nhật Bản 13,4; Singapo 15,8.

Trong 10 năm 1991 – 2000 chúng ta đã dành 700 nghìn tỷ đồng cho đầu tư phát triển, chiếm 27,7% tổng sản phẩm trong nước 10 năm. Nhưng một phần do lựa chọn cơ cấu đầu tư, phần khác do lãng phí, thất thoát nên hệ số ICOR đã tăng từ 3,0 trong năm 1995 lên 3,5 năm 1996 và 4,0 – 5,0 trong những năm gần đây, tuy chưa vượt khỏi hệ số an toàn và còn thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng xét về tốc độ gia tăng thì đáng lo ngại (Hệ số ICOR năm 1999 của Hàn Quốc là 2,5; Malaysia 4,0; Trung Quốc 5,4; Philipin 5,8; Singapo 6,1; Thái Lan 6,2).

Do hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp nên tỷ lệ để dành thuần so với tổng thu nhập có thể sử dụng được (NDI) tuy đã tăng từ 1,4% năm 1990 lên 14,8% năm 1995 và 18,9% năm 1999 nhưng tỷ lệ này mới chiếm trên dưới 50% tổng nguồn vốn tích luỹ (Năm 1996 chiếm 41,7%; 1997 chiếm 45,6%; 1998 chiếm 53,0%).

Chất lượng hàng hóa, dịch vụ nhìn chung thấp, giá thành cao nên thiếu sức cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước chứ chưa nói đến vươn ra xuất khẩu. Theo kết quả điều tra toàn bộ công nghiệp thì đến giữa năm 1998 ngành công nghiệp mới có 26,9% số doanh nghiệp giành được ưu thế chiếm lĩnh thị trường trong nước; 58,8% số doanh nghiệp chiếm lĩnh được thị trường nhưng chưa vững chắc; 14,3% số doanh nghiệp hoàn toàn không có khả năng cạnh tranh ngay trên thị trường trong nước. Cũng tại thời điểm điều tra trên, chỉ có 23,8% số doanh nghiệp đã có hàng hóa xuất khẩu; 13,7% số doanh nghiệp có triển vọng sẽ xuất khẩu; còn lại 62,5% số doanh nghiệp hoàn toàn không có khả năng xuất khẩu. Tờ Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây quan sát và đánh giá sức cạnh tranh của 59 nền kinh tế. Trong danh sách xếp hạng này, sức cạnh tranh của nền kinh tế nước ta đứng thứ 53.

  1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI BỨC XÚC VÀ GAY GẮT CHẬM ĐƯỢC KHẮC PHỤC

Trong những năm qua chúng ta đã có nỗ lực lớn trong việc giải quyết việc làm cho những người có khả năng lao động và có nhu cầu tìm việc làm thông qua chương trình mục tiêu quốc gia tạo việc làm và sự lồng ghép các chương trình khác, như chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng, chương trình xoá đói, giảm nghèo, chương trình đầu tư cho 1.015 xã nghèo… Từ các chương trình này, mỗi năm đã tạo thêm chỗ làm việc cho hơn 1 triệu lao động. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị và thiếu việc làm ở nông thôn vẫn còn ở mức cao, đang là một trong những vấn đề nổi cộm, nóng bỏng nhất của xã hội. Tỷ lệ thất nghiệp của lao động thành thị trong độ tuổi đã tăng từ 5,88% năm 1996 lên 6,01% năm 1997; 6,85% năm 1998; 7,40% năm 1999 và 6,44% năm 2000. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh thì tỷ lệ này còn cao hơn. Tỷ lệ thời gian lao động được sử dụng của lao động ở nông thôn hàng năm chỉ chiếm khoảng 70% tổng quỹ thời gian lao động có thể sử dụng.

Sự nghiệp giáo dục có bước tiến mới, nhưng theo kết quả Tổng điều tra dân số 1- 4-1999 thì đến thời điểm điều tra cả nước vẫn còn 6,8 triệu người từ 10 tuổi trở lên chưa bao giờ đến trường, trong đó 5,3 triệu người hoàn toàn không biết chữ. Ngoài ra, còn 2,2 triệu cháu ở nhóm 5-9 tuổi cũng chưa được đi học.

Các tệ nạn xã hội như tiêm trích ma tuý, mãi dâm, cờ bạc chưa được chặn đứng. Đây cũng chính là một trong những môi trường lây lan HIV và AIDS. Đến nay, tất cả 61 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đều đã có người nhiễm HIV và AIDS. Tính đến cuối năm 2000 cả nước phát hiện được 28.091 trường hợp nhiễm HIV, trong đó 4.632 bệnh nhân AIDS (đã có 2.463 người chết). Riêng năm 2000 cả nước đã phát hiện được 9.059 trường hợp nhiễm HIV, chiếm 32,2% tổng số ca nhiễm HIV được phát hiện từ năm 1990 đến nay, trong đó 1.163 bệnh nhân AIDS, chiếm 25,1% tổng số bệnh nhân AIDS được phát hiện trong tất cả các năm của cả nước.

Tình trạng ách tắc giao thông ở các đô thị và tai nạn giao thông đang có xu hướng gia tăng. Trung bình mỗi năm trên phạm vi cả nước thường xảy ra trên dưới 2 vạn vụ tai nạn giao thông. Hàng năm đã có khoảng 6 nghìn người chết và trên 2 vạn người khác bị thương do tai nạn giao thông. Đó là chưa kể thiệt hại về phương tiện vận tải, cầu đường và tài sản khác.

Thu nhập của các tầng lớp dân cư đều tăng qua các năm, nhưng một bộ phận dân cư thiếu lao động, vốn liếng và nhất là thiếu kinh nghiệm sản xuất kinh doanh nên thu nhập tăng chậm làm cho khoảng cách chênh lệch giàu nghèo có xu hướng roãng ra. Thu nhập của 20% số hộ có thu nhập cao nhất trong năm 1994 gấp 6,5 lần thu nhập của 20% số hộ có thu nhập thấp nhất. Tỷ lệ này đã tăng lên 7,0 lần trong năm 1995; 7,3 lần năm 1996 và 8,9 lần năm 1999. Trong vấn đề này cần phải thống nhất nhận thức và đánh giá một cách khách quan thì mới tìm ra được giải pháp khắc phục. Trước hết, sự chênh lệch giàu nghèo là một tất yếu và phải chấp nhận, không thể vì có sự chênh lệch này mà quay trở lại cơ chế phân phối bình quân trước đây. Mặt khác, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở nước ta những năm gần đây tuy có tăng lên nhưng chưa phải đã quá cao so với sự chênh lệch giàu nghèo ở một nước trong khu vực. Từ những năm 1991- 1993, khoảng cách chênh lệch giàu nghèo của Trung Quốc đã là 6,5 lần; Thái Lan 3,8 lần; Singapo 9,6 lần; Mailaysia 11,7 lần. Hơn nữa, ngay trong trường hợp khoảng cách này ngày càng roãng ra thì thu nhập thực tế bình quân mỗi người một tháng của các hộ nghèo cũng đã tăng từ 63,0 nghìn đồng năm 1994 lên 74,3 nghìn đồng năm 1995 và 97,0 nghìn đồng năm 1996 và tỷ lệ hộ nghèo đã giảm như dẫn ra ở phần trên.

Để quan sát tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa nhóm dân cư, quốc tế đã căn cứ vào hệ số GINI và tỷ lệ thu nhập của 40% số hộ có thu nhập thấp nhất chiếm trong tổng thu nhập của tất cả các hộ dân cư. Hệ số GINI nhận giá trị từ 0 đến 1, càng tiến đến 1 thì sự bất bình đẳng càng lớn. Tỷ lệ thu nhập của 40% hộ có thu nhập thấp nhất nếu nhận giá trị từ 17% trở xuống là có sự bất bình đẳng, trong đó nếu nhỏ hơn 12% thì thuộc loại bất bình đẳng cao; trên 17% là tương đối bình đẳng.

Kết quả điều tra đa mục tiêu những năm vừa qua cho thấy hệ số GINI năm 1994 là 0,350; 1995: 0,357; 1996: 0,362; 1999: 0,390. Như vậy, qua các năm sự bất bình đẳng có tăng lên nhưng không nhiều và còn thấp hơn một số nước trong khu vực (Hệ số GINI năm 1998 của Thái Lan là 0,479; Philipin là 0,445). Cũng trên cơ sở tài liệu của các cuộc điều tra nói trên đã tính ra tỷ lệ thu nhập của 40% số hộ có thu nhập thấp nhất so với tổng thu nhập của tất cả các hộ dân cư trong năm 1994 là: 20,0%; 1995: 21,1%; 1996: 21,0%; 1999: 18,7%. Tỷ lệ này của năm 1999 tuy có giảm và thấp nhất trong 4 năm nhưng vẫn cao hơn 17%, chứng tỏ sự phân bố thu nhập trong các nhóm dân cư ở nước ta những năm vừa qua vẫn ở mức tương đối bình đẳng.

Từ sự phân tích trên cho thấy khoảng cách chênh lệch giàu nghèo và sự bất bình đẳng trong phân bố thu nhập giữa các nhóm dân cư ở nước ta những năm vừa qua chưa phải là quá lớn, nhưng có xu hướng tăng lên. Mặt khác, nếu theo tiêu chuẩn thông lệ quốc tế thì tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn trên 30%. Do vậy, trong những năm tới cần phải có những giải pháp đồng bộ và có hiệu quả hỗ trợ người nghèo tăng nhanh thu nhập, tiến tới không còn hộ nghèo. Đó cũng chính là giải pháp phù hợp quy luật giữ cho khoảng cách chênh lệch giàu nghèo ở mức hợp lý.

  1. NGUỒN NHÂN LỰC TƯƠNG ĐỐI LỚN NHƯNG CHẤT LƯỢNG CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU CỦA SỰ NGHIỆP ĐỔI MỚI VÀ CỦA TIẾN TRÌNH CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC.

Nước ta được xếp vào hàng các quốc gia có trình độ học vấn cao nhưng do xuất phát điểm là nước nông nghiệp lạc hậu, tiếp theo đó là những năm dài nền kinh tế vận hành theo cơ chế kế hoạch hoá tập trung cao độ, quan liêu bao cấp nên đã để lại hậu quả nặng nề về đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế cũng như đội ngũ những người lao động. Chúng ta thường nói nhiều đến năng suất lao động xã hội, đến hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh của nền kinh tế thấp. Tất cả những điều đó đều có nguyên nhân chung là thiếu những nhà quản lý giỏi, những doanh gia có tài và những người lao động tinh thông công việc.

Nước ta hiện nay có trên 50 triệu người từ 15 tuổi trở lên, nhưng tỷ lệ qua đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn kỹ thuật rất thấp. Theo kết quả điều tra dân số 1-4-1999 thì tại thời điểm điều tra chỉ có 7,6% dân số từ 13 tuổi trở lên có bằng cấp về một trình độ chuyên môn kỹ thuật nào đó, tức là đã qua trường lớp đào tạo, trong đó 2,3% là công nhân kỹ thuật và nhân viên nghiệp vụ có bằng cấp; 2,8% có trình độ trung học chuyên nghiệp; 0,7% cao đẳng; 1,7% đại học và 0,1% có trình độ trên đại học. Đây là một tỷ lệ quá thấp. Nếu loại trừ giáo viên trong ngành giáo dục và thầy thuốc trong ngành y là 2 ngành có tỷ lệ qua đào tạo cao thì số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật còn chiếm tỷ lệ thấp hơn nữa. Tỷ lệ qua đào tạo đã thấp, cơ cấu đào tạo lại bất hợp lý. Quan hệ tỷ lệ đào tạo giữa 3 loại trình độ chuyên môn kỹ thuật; (1) Đại học và trên đại học; (2) Trung học chuyên nghiệp; (3) Công nhân kỹ thuật theo thông lệ quốc tế là: 1 – 4 – 10 hoặc 1 – 3 – 5, nhưng ở nước ta các tỷ lệ này tại thời điểm tổng điều tra dân số năm 1- 4-1989 là 1 – 1,16 – 0,96 và đến thời điểm tổng điều tra dân số 1-4-1999 còn bất hợp lý hơn với quan hệ tỷ lệ: 1- 1,13 – 0,92.

Cơ cấu đào tạo bất hợp lý nên tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” trong nền kinh tế có xu hướng ngày càng trầm trọng. Sinh viên ra trường không có việc làm, nhưng các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lại không tìm được công nhân kỹ thuật và thợ lành nghề. Theo kết quả điều tra toàn bộ công nghiệp đã nêu ở trên, đến giữa năm 1998 trong tổng số lao động công nghiệp ngạch 4 bậc chỉ có 17,5% số người đạt tay nghề bậc 4/4; trong ngạch 5 bậc, tỷ lệ bậc 5/5 chiếm 20,8%; ngạch 6 bậc, thợ bậc 6/6 chiếm 5,9%; ngạch 7 bậc, thợ bậc 7/7 chỉ có 3,2%.

Nền kinh tế nước ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhân loại đang bước vào nền kinh tế tri thức mà bản thân người lao động không biết nghề hoặc biết nghề không đến nơi đến chốn thì rất khó tìm việc làm vì ngày nay người ta quan tâm chủ yếu đến chất lượng lao động chứ không tập trung vào khai thác số lượng lao động như trước đây.

Share
Published by
THCS An Phú

Recent Posts

  • Giáo Dục

7 lợi ích thú vị khi sống ở thành phố lớn

Bạn đã bao giờ tự hỏi “Sống ở thành phố lớn hay về quê?” Chắc…

10 phút ago
  • Tử Vi

Xem tử vi tuổi Mùi: Sự nghiệp, tài vận, gia đạo và số mệnh 2024

Hãy cùng xem tử vi tuổi Mùi nói chung và vận mệnh của nhóm người…

15 phút ago